Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10

Thứ sáu, 01-10-2021 | 13:02:00 PM GMT+7 Bản in
Ôtô chưa đóng phạt "nguội" được đăng kiểm tạm 15 ngày, đào tạo thạc sĩ trực tuyến, quân nhân có thêm ngày nghỉ phép..., là các chính sách có hiệu lực từ tháng 10.

Đăng kiểm tạm cho ôtô chưa đóng "phạt nguội"

Theo thông tư 16/2021 của Bộ Giao thông Vận tải (thay Thông tư 70/2015), từ 1/10, các xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định (trường hợp quá thời hạn giải quyết sự việc vi phạm mà chủ phương tiện chưa đến xử lý) vẫn được tiếp nhận đăng kiểm tại các trung tâm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định chỉ có hiệu lực 15 ngày.

Cũng từ đầu tháng 10, các chủ xe không cần xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc như trước đây khi đăng kiểm lần đầu và định kỳ. Khi đăng kiểm ôtô lần đầu, chủ phương tiện xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính hoặc giấy hẹn đăng ký của phòng cảnh sát giao thông, hoặc bản chính đang thế chấp của tổ chức tín dụng, ngân hàng); bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý); bản chính chứng nhận kiểm định cải tạo với trường hợp xe hoán cải.

Đối ôtô đăng kiểm định kỳ, chủ xe chỉ phải xuất trình đăng ký xe (bản chính, giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng, hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe với trường hợp xe sang tên đổi chủ). Bảo hiểm trách nhiệm dân sự không còn cần đối với thủ tục đăng kiểm nhưng đây vẫn là giấy tờ bắt buộc để xe lưu hành hợp lệ trên đường.

Một xe làm đăng kiểm ở Hà Nội hôm 26/9. Ảnh: Văn Lộc

Một xe làm đăng kiểm ở Hà Nội hôm 26/9. Ảnh: Văn Lộc

Đào tạo thạc sĩ trực tuyến

Từ ngày 15/10, thông tư 23/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ có hiệu lực. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ được tuyển sinh trực tuyến, tổ chức các lớp học trực tuyến.

Phương án tuyển sinh trực tuyến phải đáp ứng điều kiện chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như tuyển sinh trực tiếp. Trong điều kiện bình thường, cơ sở giáo dục được tổ chức lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, các trường đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hình thức bảo vệ luận văn trực tuyến có thể được thực hiện khi có sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và học viên; toàn bộ diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm và lưu trữ tại cơ sở đào tạo.

Xem xét không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh

Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí (có hiệu lực từ 15/10) nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất với HĐND xem xét không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, nghiên cứu sinh trong khu vực bị ảnh hưởng. Tùy mức độ và phạm vi chịu tác động, thời hạn được miễn học phí sẽ được cân nhắc.

Trường hợp vẫn thu học phí, các tỉnh, thành cần căn cứ vào số tháng học thực tế, gồm cả học trực tuyến và dạy bù, nhưng không được quá 9 tháng, tương ứng với thời gian một năm học. Học phí năm học 2021-2022 dựa trên tình hình thực tế của địa phương, không được vượt quá mức trần của năm 2020-2021.

Ngoài ra, Nghị định 81 còn quy định khung học phí (mức sàn - mức trần) với trường mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023. Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp nhưng không quá 7,5%/năm.

Học sinh được hỗ trợ chi phí học tập sẽ được nhận mức 150.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 50.000 đồng so với trước đây) để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế, không quá 9 tháng một năm học và thực hiện chi trả hai lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học.

Chính phủ cũng bổ sung thêm nhiều nhóm học sinh, sinh viên được miễn học phí so với quy định trước đây như người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh cấp hai ở thôn, bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù...

Tăng thời gian nghỉ phép cho quân nhân

Theo quy định tại Thông tư 109/2021 của Bộ Quốc phòng, từ ngày 10/10, Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng công tác dưới 15 năm được nghỉ 20 ngày; từ đủ 15 đến dưới 25 năm được nghỉ 25 ngày; từ đủ 25 năm trở lên được nghỉ 30 ngày. Số ngày nghỉ phép sẽ được tăng thêm đối với những quân nhân công tác ở một số địa bàn đặc biệt.

Cụ thể, quân nhân được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên.

Quân nhân được nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực; hoặc đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực từ 0,5 trở lên (quy định hiện hành là phải đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7).

Thời gian đi đường sẽ không tính vào số ngày nghỉ phép. Tỷ lệ nghỉ thường xuyên không quá 15% quân số của đơn vị.

Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch ở Quảng Ninh, năm 2020. Ảnh: Hoàng Thùy

Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch ở Quảng Ninh, năm 2020. Ảnh: Hoàng Thùy

Lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, từ 1/10 đến chậm nhất 31/12, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 sẽ được dùng để hỗ trợ người lao động thuộc hai nhóm. Đó là người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Thứ hai là những người dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể, người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng thì được hỗ trợ 1,8 triệu đồng một người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng được 2,1 triệu đồng; đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng được 2,4 triệu đồng; từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng được 2,65 triệu đồng; từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng được 2,9 triệu đồng; từ đủ 132 tháng trở lên được 3,3 triệu đồng một người.

Theo Hoàng Thùy(Vnexpress)

https://vnexpress.net/chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-10-4364322.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)