Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng).
Về phương thức đóng, căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia được chọn linh hoạt các phương thức đóng sau đây:
Đóng hằng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về điều kiện hưởng lương hưu, căn cứ quy định tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời đối với nam là đủ 60 tuổi, nữ là đủ 55 tuổi (từ năm 2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Đề nghị bạn căn cứ các quy định nêu trên để chọn lựa mức đóng, phương thức đóng sao cho phù hợp và đúng với quy định hiện hành.