Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Các ngành phối hợp kiên quyết xử lý

Thứ sáu, 24-07-2015 | 14:45:00 PM GMT+7 Bản in
Hàng loạt dự án (DA) bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội đang nợ tiền sử dụng đất với số tiền “khủng” nhưng đã mở bán cho nhiều khách hàng, trong khi rất ít khách hàng biết DA nào còn nợ thuế.
Đại diện ngành thuế cho hay, sớm muộn gì DN cũng phải nộp khi các cơ quan chức năng áp dụng các hình thức mạnh.

Ngấm ngầm bán nhà

“Khi bán DA ra thị trường, chủ đầu tư hiếm khi công khai chuyện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với DA này hay chưa. Bởi thế mới có chuyện người dân nhận nhà 5 - 6 năm trời mà vẫn chưa có sổ đỏ, hỏi chủ đầu tư thì họ lần lữa, tìm hiểu mới biết DA xin “khất” chậm nộp tiền sử dụng đất” - anh Thắng, một nhà đầu tư (NĐT) mua nhà của DN có trong danh sách nợ thuế cho biết.



Dự án Khu nhà phố Wall trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy của Công ty TNHH Kim Anh hiện vẫn nợ thuế gần 75 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, những DA chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng. Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) và một số luật khác liên quan cũng quy định DN buộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí liên quan đến DA trước khi chuyển nhượng, đưa ra thị trường kinh doanh hay ký quỹ cho việc đầu tư DA… Rõ ràng, việc DN nợ thuế nhưng vẫn bán sản phẩm ra thị trường là trái luật mang lại không ít rủi ro cho khách mua nhà và ảnh hưởng tới ngân sách. Nhưng vấn đề dư luận đặt ra là các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan thuế có biết hay không, trách nhiệm của cơ quan thuế đến đâu khi để xảy ra tình trạng DN thì đã bán nhà trong khi tình trạng nợ đọng thuế lại lớn như hiện nay?

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho hay, thực tế, các khoản nợ đọng kéo dài vì nhiều DN đã được gia hạn nợ tới cả 2 năm, nhưng việc thu hồi lại khoản nợ này không hề dễ dàng. Cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có cả phong tỏa tài khoản của DN. Tuy nhiên, “biện pháp này chưa hiệu quả khi từ đầu năm tới nay đã áp dụng với 1.200 trường hợp nhưng đã không thu được một khoản tiền thuế nào vì tài khoản của các DN luôn trống rỗng. Hơn nữa, các giao dịch mua bán nhà của chủ đầu tư hầu hết vẫn bằng tiền mặt, không qua thanh toán trên tài khoản nên khó kiểm soát được dòng tiền” - đại diện Cục Thuế Hà Nội giãi bày. Cũng theo vị này, muốn biết DN đã bán nhà hay chưa còn phải kiểm tra xem DA có kê khai nộp thuế hay chưa. Trường hợp chủ đầu tư các DA thực hiện bán nhà đã thu tiền nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế rất khó kiểm soát.

Nhiều biện pháp mạnh

Theo quy định về thu tiền sử dụng đất và quy định của pháp luật quản lý thuế, việc chậm nộp tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư DA sẽ bị cơ quan thuế xử lý theo quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp với mức 0,05%/ngày (tức 18%/năm) tính trên số tiền sử dụng đất và số ngày chậm nộp. Trước kia, lãi suất ngân hàng lên tới 20 - 24%/năm nên nhiều DN bằng một phép cộng trừ đơn giản, họ đã biết được sẽ có lợi rất nhiều nếu đem khoản tiền phải đóng thuế đó gửi vào ngân hàng lấy lãi, sau đó trích một phần lãi đóng tiền phạt nộp thuế chậm cho cơ quan thuế. Đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước đang “thông cảm” với DN. Nhưng thời gian qua, lãi suất cho vay ngân hàng đã giảm rất mạnh, chỉ còn 8 - 9%/năm, DN phải tính toán rất nhiều yếu tố khi mà kinh tế còn nhiều khó khăn, ngay cả khi biết việc nợ thuế là bị tính thêm tiền phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các sở, ngành buộc chủ đầu tư không thể trốn tránh trách nhiệm của mình. Biện pháp công khai tên DN nợ thuế như những đợt công bố vừa rồi bước đầu cũng đã thấy hiệu quả: Những DN bị “bêu tên”, trong đó có nhiều tên tuổi cũng đã thấy “rát mặt”, có động thái tích cực hơn trong việc nộp thuế, và đương nhiên cũng khiến những DN khác phải khẩn trương hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Thống kê của Cục Thuế Hà Nội, sau khi công bố danh tính các DN nợ thuế hồi đầu tháng 6 vừa qua, đến nay, trong số các DN được nêu tên, đã có 22 DN nộp vào ngân sách hơn 360 tỷ đồng, trong đó có 5 DN nộp xong toàn bộ số tiền còn nợ.

Cơ quan thuế sẽ tiếp tục công khai danh tính các DN BĐS đang nợ tiền sử dụng đất lớn. Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến cho biết, cơ quan này hiện đang phối hợp với các sở, ngành của TP tiến hành phân loại các DN, những trường hợp chủ đầu tư các DA thực hiện bán nhà đã thu tiền nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định hành vi vi phạm buộc DN phải tuân thủ theo đúng quy định, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và phối hợp với cơ quan Công an TP Hà Nội để thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.


Sở TN&MT TP Hà Nội sẽ có giải pháp đảm bảo quyền lợi cao nhất của người mua nhà tại các DA nợ tiền sử dụng đất. Theo tinh thần tháo gỡ khó khăn trong việc cấp sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi cho người dân, vẫn có những DA người mua nhà được cấp sổ đỏ song song trong quá trình xử lý vi phạm của chủ đầu tư do chậm nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, những DA sau năm 2013 sẽ bị xử lý nghiêm.
Trưởng phòng Đăng ký Thống kê, Sở TN&MT Hà Nội
Lê Thanh Nam

Trâm Anh (Kinh Tế và Đô Thị online)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)