Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Bất động sản châu Á hưởng lợi từ cuộc đua xây trung tâm dữ liệu ở Việt Nam

Thứ hai, 19-08-2024 | 10:09:00 AM GMT+7 Bản in
Cuộc đổ bộ của nhiều tên tuổi quốc tế đến Việt Nam xây trung tâm dữ liệu được kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển của bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 
Bất động sản thương mại sẽ hưởng lợi từ cuộc đua xây trung tâm dữ liệu ở Việt Nam. Ảnh: Đăng Kiệt

Điểm sáng Việt Nam

Dữ liệu từ nghiên cứu mới đây của Công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu (JLL) chỉ ra, các trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á (SEA) đang là một điểm sáng, trong đó khối lượng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu (DC) SEA chiếm 52% khối lượng đầu tư của Châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, Malaysia và Việt Nam đã nổi lên như các địa điểm đầu tư trung tâm dữ liệu được đánh giá cao do chi phí đất đai, nhân công và điện tương đối thấp hơn so với Singapore, đem lại hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh cho các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu.

"Tháng 7/2024, Việt Nam mở cửa thị trường DC cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn ở mức trần 49%, chủ yếu là các công ty liên doanh. Đơn cử, STT GDC đã thành lập một liên doanh với Tập đoàn VNG, STT sẽ tiếp quản cơ sở DC 9,6MW hiện có tại TP.HCM cũng như lên kế hoạch xây dựng cơ sở mới hoạt động vào nửa đầu năm 2026", chuyên gia của JLL nhận định.

Theo các chuyên gia, việc các trung tâm dữ liệu đổ về Việt Nam và Malaysia là một trong những yếu tố góp phần giúp thị trường bất động sản khu vực châu Á và Thái Bình Dương hưởng lợi.

Bà Celina Chua, Giám đốc Giải pháp Khách hàng Trung tâm Dữ liệu (APAC) tại JLL nhấn mạnh: "Việt Nam đang ở vị trí ưu tiên trong danh sách các quốc gia mà nhà đầu tư và nhà vận hành đang tìm hiểu khi xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường. Quốc gia 100 triệu dân đang trở thành một điểm đến quan trọng trên thị trường trung tâm dữ liệu ở Châu Á nhờ sở hữu vị trí địa lý chiến lược cùng các chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ am hiểu công nghệ và nhu cầu địa phương hóa dữ liệu. Báo cáo của chúng tôi cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng tận dụng các cơ hội này, với sự hỗ trợ ngày càng tăng từ chính phủ và nhu cầu ngày càng lớn về các dịch vụ kỹ thuật số, giúp định hình một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành này tại đây".

Bất động sản khu vực kỳ vọng khởi sắc

Pamela Ambler, Giám đốc khối phân tích nhà đầu tư, Châu Á Thái Bình Dương, JLL cho biết: "Với kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm lãi suất vào tháng 9, chúng tôi hy vọng sẽ giảm chi phí vay cho một số thị trường trong khu vực, cùng với sự bùng nổ trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á và chính sách tiền tệ thuận lợi hơn, chúng tôi đang cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng đầu tư bất động sản thương mại trong khu vực".

Theo chuyên gia của JLL, trong quý II/2024, đầu tư bất động sản thương mại ở Châu Á –Thái Bình Dương đạt 27,3 tỷ USD tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng trưởng thứ ba liên tiếp của khu vực. Nửa đầu năm, khối lượng đầu tư đạt 57,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Văn phòng vẫn là lĩnh vực hoạt động sôi động nhất, với khối lượng văn phòng tại Châu Á - Thái Bình Dương đạt 10,7 tỷ USD trong quý II. Sự tăng trưởng do lĩnh vực văn phòng được hỗ trợ bởi lĩnh vực bán lẻ và khách sạn, tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng về khối lượng so với một năm trước. Khối lượng bán lẻ tại Châu Á - Thái Bình Dương tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên 4,6 tỷ USD và khối lượng khách sạn tăng 19% so với cùng kỳ năm trước lên 5,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.

Nhật Bản là thị trường sôi động nhất trong khu vực, ghi nhận 5,8 tỷ USD trong các giao dịch quý II, được thúc đẩy bởi sự gia tăng các giao dịch khách sạn do đồng yên suy giảm và lượng khách du lịch tăng mạnh.

"Chi phí vay vẫn tiếp tục đè nặng lên tâm lý trên khắp Châu Á Thái Bình Dương. Bất chấp điều này, lĩnh vực văn phòng trong khu vực đã chứng kiến hoạt động giao dịch mới và động lực từ các giao dịch lớn hơn đã được cải thiện. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá thuê tại nhiều thị trường và kỳ vọng cắt giảm lãi suất dự kiến, kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện, thúc đẩy thêm tâm lý nhà đầu tư", Stuart Crow, Giám đốc điều hành, Thị trường vốn Châu Á - Thái Bình Dương, JLL, nhận định.

Khối lượng đầu tư xuyên biên giới ở Châu Á Thái Bình Dương đã đăng ký 7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 (quý II là 3,6 tỷ USD), giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái vì hầu hết các thị trường bị chi phối bởi các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, vốn đầu tư ở nước ngoài chủ yếu đầu tư vào khách sạn, với tất cả các hoạt động tại Nhật Bản trong quý II là đầu tư khách sạn. Trong quý II, Trung Quốc và Hồng Kông trở thành thị trường chủ yếu trong nước với hầu như không có đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài do suy thoái kinh tế của Trung Quốc và tình hình địa chính trị gia tăng khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và xem xét. 

Theo Liên Thượng (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)

https://nhadautu.vn/bat-dong-san-chau-a-huong-loi-tu-cuoc-dua-xay-trung-tam-du-lieu-o-viet-nam-d88145.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)