Có được trả tiền bảo hiểm vào lương trong thời gian thử việc?

Sau thời gian thử việc, nếu người lao động đạt yêu cầu thì công ty ký hợp đồng lao động và bắt đầu đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Ông Thuận hỏi, công ty có phải hoàn trả BHXH, BHYT, BHTN (theo tỷ lệ công ty phải đóng 21,5%) trong thời gian thử việc vào lương cho người lao động hay không?

Về vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019:

"1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, đ, g và h, Khoản 1, Điều 21 của Bộ luật Lao động".

Theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH năm 2014:

"1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng".

Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.

Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT.

Căn cứ các quy định nêu trên thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận ghi nhận nội dung thử việc bằng một trong hai cách thức sau:

(1) Thỏa thuận ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động. Khi đó, các nội dung của hợp đồng lao động mà hai bên giao kết phải bảo đảm theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nội dung quy định về "BHXH, BHYT và BHTN".

Đồng thời, tại Khoản 3, Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng". Do đó, trường hợp hai bên thỏa thuận ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động thì thời hạn hợp đồng lao động phải từ đủ 1 tháng trở lên, khi đó người lao động sẽ thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và tham gia BHYT, BHTN nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014.

Trường hợp người lao động không đủ điều kiện (không thuộc diện/đối tượng) tham gia các khoản bảo hiểm bắt buộc theo các quy định nêu trên thì người sử dụng lao động phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Khoản 3, Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019.

(2) Thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Khi đó, các nội dung của hợp đồng thử việc mà hai bên giao kết phải bảo đảm theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 trong đó không có nội dung quy định về "BHXH, BHYT và BHTN".

Do vậy, trong trường hợp này người sử dụng lao động không phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Khoản 3, Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019.

 

Theo BT (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/co-duoc-tra-tien-bao-hiem-vao-luong-trong-thoi-gian-thu-viec-102220926151536959.htm