Kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, lập hóa đơn thế nào?

Công ty cũng muốn biết, các trường hợp bệnh nhân không lấy hóa đơn (trong đó có nhiều bệnh nhân có chi phí khám bệnh và thuốc trên 200.000 đồng) thì công ty lập bảng kê bán lẻ hàng hóa dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc trong ngày có được không?

Về vấn đề này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:

Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 9, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

"9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.

Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.

Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT".

Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

Tại Khoản 8, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 11, Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT quy định thuế suất 5%:

"Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế theo xác nhận của Bộ Y tế".

Tại Điểm b, Khoản 7, Điều 3 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ quy định:

“Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”...

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày...".

Trường hợp của Công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế (khám chữa bệnh và bán thuốc cho bệnh nhân đến khám bệnh) thì dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm thuốc chữa bệnh trong gói dịch vụ chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; Công ty được lập 1 hoá đơn chung cho dịch vụ khám chữa bệnh và bán thuốc. Trường hợp bán thuốc không nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, áp dụng thuế suất là 5%.

Trường hợp Công ty khi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh với giá trị trên 200.000 đồng nhưng khách hàng không lấy hoá đơn thì Công ty vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn”.

Việc Công ty đề nghị lập bảng kê bán lẻ cho tất cả bệnh nhân để xuất hoá đơn cuối ngày (giá trị trên 200.000 đồng) là không phù hợp với quy định.

Theo Chinhphu.vn