Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương, 64 điều. Dự luật trình lần này kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí và hiệp định đã ký kết.
Dự án Luật cũng bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
"Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), cụ thể: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
Tán thành với việc sửa đổi Luật Dầu khí, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý một số vấn đề lớn đối với quá trình sửa đổi Luật Dầu khí. Đơn cử, trường hợp dự án dầu khí là dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy đây là quy định mới, chưa có đánh giá tác động cụ thể, chưa bảo đảm tính đồng bộ trong quan điểm tiếp cận đối với hoạt động đầu tư dầu khí là hoạt động có tính đặc thù và khác với Luật Đầu tư đã phân biệt giữa thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Dầu khí; chưa có quy định về quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng dầu khí và các nội dung khác có liên quan đến triển khai hoạt động đầu tư dầu khí đối với các dự án dầu khí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ nội dung này và chỉnh sửa theo hướng những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, không phân biệt dự án theo tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; đồng thời, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật về trường hợp này.
Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể về mức đóng góp trở lại đối với ngân sách Nhà nước và hiệu quả của các mức ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là điều kiện để áp dụng ưu đãi đặc biệt. Rà soát các tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, bổ sung các tiêu chí định lượng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định về ưu đãi có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án; bổ sung quy định về không áp dụng đối với các dự án đã được ký kết hợp đồng, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước thời điểm Luật này có hiệu lực. Tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài ưu đãi về thuế và mức thu hồi chi phí.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ủy ban Kinh tế đề nghị thiết kế theo hướng PVN là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác theo quy định tại Chương VIII dự thảo Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan áp dụng với doanh nghiệp Nhà nước; PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, được hưởng quyền hạn và cơ chế xử lý chi phí đặc thù, đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Chương IX dự thảo Luật.
Nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện. Rà soát các quy định tại dự thảo Luật để tránh trùng lặp, bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Theo Lê Sơn(Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/luat-dau-khi-sua-doi-giai-quyet-6-nhom-chinh-sach-lon-ve-dau-khi-102220603150248442.htm