Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo số 924/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Theo thông báo, Ủy ban Thường vụ cơ bản tán thành giữ mô hình hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra 3 cấp như hiện hành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, lập luận đầy đủ, thuyết phục nội dung còn có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức Thanh tra huyện để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực của cơ quan thanh tra để thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra sở và thanh tra chuyên ngành ở các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước: Việc thành lập các cơ quan thanh tra này phải bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Sở, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật về tiêu chí, nguyên tắc thành lập các cơ quan thanh tra này, đồng thời, phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra.
Về hình thức thanh tra, tán thành quy định 2 hình thức thanh tra, gồm thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất; quy định một số nguyên tắc về hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, cần phân biệt rõ “hình thức thanh tra” và “hoạt động thanh tra” để có cách thể hiện trong Luật phù hợp, chính xác.
Về khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước: cần quy định rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước.
Chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Cần phân định rõ trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, bảo đảm từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tránh can thiệp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra. Quy định cơ chế, quy trình thủ tục ban hành kết luận thanh tra bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng thực tế thanh tra.
Xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch...
Theo Phạm Đông (Báo Lao động)