Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Các ống mực đã qua sử dụng được phân loại có khả năng là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, đơn vị có chức năng kiểm định đã có kết quả xác định chất thải nằm dưới ngưỡng chất thải nguy hại. Vậy, công ty của bà Văn cần làm thủ tục gì để chứng minh đây không phải là chất thải nguy hại?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMTngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, nguyên tắc xác định chủ nguồn thải trước hết căn cứ vào nơi phát sinh chất thải nguy hại.

Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại bên ngoài cơ sở của mình phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân quản lý nơi phát sinh về việc lựa chọn giữa một trong hai đối tượng này để đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Theo Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý.

Đối với chất thải có khả năng là chất thải nguy hại (loại *) được phân định không phải là chất thải nguy hại nếu tất cả tính chất hoặc thành phần nguy hại đều không vượt ngưỡng chất thải nguy hại (hay còn gọi là dưới ngưỡng chất thải nguy hại) theo quy định tại Mục 2.1.2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại.

Theo Chinhphu.vn