Tính đến năm 2016, bà Phương được hưởng lương theo mã ngạch 06.031, bậc 5/9, hệ số 3,66 Bảng lương công chức loại A1 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Đầu năm 2016, bà xin chuyển công tác đến doanh nghiệp Nhà nước, được doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận, đơn vị cũ có quyết định đồng ý cho chuyển công tác.
Doanh nghiệp đã chuyển xếp lương hệ số 3,89 cho bà theo thang lương “Chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư” Bảng lương nhân viên chuyên môn nghiệp vụ ban hành kèm theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP. Bà Phương hỏi, việc xếp lương như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Nếu sự việc đúng như bà Phương phản ánh, năm 2007 bà Phương được tuyển dụng vào công chức. Do có bằng tốt nghiệp đại học và bằng thạc sĩ chuyên ngành tài chính kế toán nên khi tuyển dụng bà được bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên (mã số 06.031), xếp lương vào bậc 2/9, hệ số 2,67, thang lương công chức loại A1, Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Cứ sau 3 năm (đủ 36 tháng) công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật thì bà Phương sẽ được nâng một bậc lương. Theo đó, vào năm 2010, bà được nâng lương lên bậc 3/9 hệ số 3,00; vào năm 2013, bà được nâng lương lên bậc 4/9 hệ số 3,33; năm 2016 bà Phương được nâng lương lên bậc 5/6 hệ số 3,66. Diễn biến tiền lương, hệ số lương được hưởng ở cơ quan Nhà nước trước khi chuyển công tác của bà Phương là đúng quy định.
Nguyên tắc chuyển xếp lương khi chuyển công tác
Theo Điều 6 Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương bảng lương trong công ty Nhà nước, mà hiện nay một số doanh nghiệp Nhà nước còn đang tiếp tục áp dụng thì, việc chuyển, xếp lương phải bảo đảm theo nguyên tắc làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì xếp lương theo chức vụ hoặc phụ cấp giữ chức vụ đó trên cơ sở tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; tiêu chuẩn xếp hạng công ty.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 và Điểm d, Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động, mức lương người lao động được hưởng phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Như vậy về nguyên tắc xếp lương và trả lương tại doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng phải bảo đảm nguyên tắc làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; hưởng lương trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Trên thực tế, việc xếp lương đối với người mà trước đó đã có thời gian là công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp khi chuyển vào làm việc tại công ty Nhà nước được vận dụng hoán đổi vị trí quy định tại Điểm a, Khoản 9, Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty Nhà nước vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Vận dụng theo cách hoán đổi vị trí, căn cứ vào hệ số lương công chức, viên chức đang hưởng tại thời điểm chuyển công tác (hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ) để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở chức danh đảm nhiệm trong công ty Nhà nước (chức danh tương đương với ngạch cũ đã được xếp trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp).
Cụ thể trường hợp bà Phương trước khi chuyển đến công ty Nhà nước đang hưởng hệ số lương ngạch kế toán viên ở cơ quan Nhà nước là 3,66, được công ty xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất là 3,89 (bậc 6/8) chức danh chuyên viên, Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ trong công ty Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ là phù hợp.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo chính phủ