Trường hợp nào được coi là hoàn trả phí bảo hiểm?

Công ty TNHH Parker Processing Việt Nam (PPV) mua bảo hiểm đường biển của Công ty bảo hiểm Liên hiệp Việt Nam (UIC) cho các lô hàng nhập theo giá xuất xưởng (EXW) và xuất theo điều kiện giao hàng chưa nộp thuế (DDU). Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 3/2016, do nhầm lẫn, PPV mua bảo hiểm cho cả lô hàng nhập theo điều kiện CIF (Cost insurance and freight - tiền hàng, bảo hiểm và cước phí, đã có bảo hiểm từ nước ngoài) và lô hàng xuất theo điều kiện FOB (Free on Board - giao hàng lên tàu, không cần mua bảo hiểm).

Hai bên đã ghi nhận và kê khai thuế giá trị gia tăng. Công ty UIC chấp nhận trả lại số tiền PPV đã mua thừa là 19.248.186 đồng.

Công ty PPV đề nghị giải đáp, căn cứ Thông tư số 09/2011/TT-BTC ngày 21/1/2011 của Bộ Tài chính, khoản phí mà Công ty UIC trả lại được coi là khoản hoàn trả phí bảo hiểm hay giảm phí bảo hiểm?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo thông tin của Công ty PPV cung cấp, Công ty chỉ mua bảo hiểm đường biển cho các lô hàng nhập theo giá xuất xưởng (EXW) và lô hàng xuất theo điều kiện giao hàng chưa nộp thuế (DDU). Tuy nhiên, tháng 1, 2, 3/2016 do nhầm lẫn, Công ty PPV mua bảo hiểm cho cả các lô hàng nhập theo điều kiện CIF và lô hàng xuất theo điều kiện FOB, mà trên thực tế thì các lô hàng này đã có bảo hiểm hoặc không cần mua bảo hiểm.

Việc PPV không tham gia bảo hiểm cho các lô hàng này và doanh nghiệp bảo hiểm (Công ty UIC) trả lại phí bảo hiểm cho PPV theo đúng quy định pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm thuộc trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm.

Đề nghị Công ty PPV thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ đối với trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 09/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo Chinhphu.vn