Theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp thì thời hạn cử người đại diện phần vốn Nhà nước không quá nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị.
Năm 2020, khi hết nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông tiến hành bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 nhưng người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty không trình UBND tỉnh ban hành quyết định cử lại làm người đại diện phần vốn Nhà nước mà vẫn tiếp tục cho đến nay.
Ông Hiển hỏi, trong trường hợp này người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã vi phạm quy định thì bị xử lý như thế nào?
Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ trả lời về vấn đề này như sau:
Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đã quy định việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người giữ chức danh, chức vụ và kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn Nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị ông nghiên cứu quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/quy-dinh-ve-cu-lai-dai-dien-phan-von-nha-nuoc-tai-dn-102220119094413084.htm