Tiếp thu kiến nghị về bất cập trong tiêu chuẩn đo vẽ bản đồ

Trước kia, khi Bộ Xây dựng ban hành các tiêu chuẩn ngành khảo sát địa hình trong xây dựng đã dựa theo Quy phạm 96TCN 43-90, điều này là hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT về khảo sát địa hình và Thông tư số 14/2019/TT-BTNMT ban hành định mức nhằm cập nhật các công nghệ mới (cụ thể là GPS) thì các tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng phát hành dựa trên quy phạm cũ đã mâu thuẫn với Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT, gây bối rối cho các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư, sẽ theo cái nào khi tất cả đều có hiệu lực?

Nếu Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT thay thế cho Quy phạm 96TCN 43-90 thì mặc nhiên, tất cả các tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao Thông vận tải phát hành liên quan tới khảo sát địa hình đều vô hiệu? Nhưng ngược lại hiện nay các tiêu chuẩn ngành của các Bộ đều vẫn đang áp dụng. Vậy Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT có ý nghĩa gì trong thực tiễn hiện nay? Hay chỉ áp dụng nội bộ các dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Những bất cập chính của Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT và các tiêu chuẩn hiện nay mà Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải vẫn áp dụng theo Quy phạm 96TCN 43-90 chính là tên gọi và bản chất của lưới khống chế.

Nếu theo Quy phạm 96TCN 43-90, thì hệ thống lưới khống chế cơ sở sẽ là giải tích 1/2; đường chuyền 1/2; còn theo Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT sẽ là lưới cơ sở 1/2.

Quy phạm 96TCN 43-90 quy định hệ thống lưới đo vẽ dựa trên các công nghệ đo vẽ trực tiếp chủ yếu là toàn đạc kinh vĩ, nên phân biệt rất rõ công nghệ thành lập lưới tam giác hay đường chuyền, cụ thể là lưới tam giác hạng IV hay đường chuyền hạng IV; lưới giải tích cấp 1/2 hay đường chuyền cấp 1/2?

Điều này rất đúng với công nghệ đo vẽ tại thời điểm đó giúp cho việc thiết kế lưới khống chế bám sát với điều kiện địa hình của khu vực đo vẽ. Với khu vực thông hướng thuận lợi cho tam giác thì dùng tam giác, còn khu vực nào thuận lợi cho đường chuyền thì sử dụng đường chuyền.

Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT đã đưa công nghệ GPS vào và gộp lưới giải tích 1 và đường chuyền 1 thành lưới cơ sở cấp 1 và bắt buộc sử dụng công nghệ GPS, điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên sự áp dụng ở đây là không đồng bộ, chính xác hơn là hiện nay chỉ mỗi dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường áp dụng Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT, còn các dự án hiện nay vẫn sử dụng các tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải ban hành dựa trên Quy phạm 96TCN 43-90.

Từ những phân tích trên, ông Bảng đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ hệ thống này để chấm dứt tình trạng chồng chéo giữa các quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Điều 57 Luật Đo đạc và bản đồ quy định trách nhiệm của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ về quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, theo đó quy định trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trong cả nước; bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm “Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện”.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật Đo đạc và bản đồ: “Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không trái với quy định của Luật này thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế”.

Như vậy, tiêu chuẩn ngành về Quy phạm đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500; 1:1000; 1:2000 và 1:5000 (phần ngoài trời) 96TCN 43-90 ban hành theo Quyết định số 248/KT ngày 9/8/1990 của Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước và Thông tư số 68/2025/TT-BTNMT ngày 22/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ thành lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 đều thuộc các văn bản quy phạm ban hành trước thời điểm Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực cần rà soát sửa đổi để ban hành phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ.

Sau khi Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về đo đạc và bản đồ; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ cơ bản, đo đạc và bản đồ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý.

Nội dung phản ánh trên của ông Nguyễn Ngọc Bảng, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ tiếp thu, xem xét, đề xuất để đưa vào nội dung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới trong thời gian tới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Tiep-thu-kien-nghi-ve-bat-cap-trong-tieu-chuan-do-ve-ban-do/458641.vgp