Quyền khiếu nại của cán bộ, công chức

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Dương hỏi như sau:

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 giải thích từ ngữ “khiếu nại” là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, Luật Khiếu nại 2011 quy định đối tượng khiếu nại của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước là quyết định kỷ luật do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ban hành để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức đó.

Đối với công dân, cơ quan, tổ chức, đối tượng khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình..

Công dân là một cá nhân, một con người cụ thể mang quốc tịch Việt Nam, trong đó có cá nhân là cán bộ, công chức theo Luật Cán bộ, công chức. Công dân có các quyền và các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Khiếu nại, công dân nói chung, công dân là cán bộ, công chức nói riêng đều có quyền khiếu nại, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

Ví dụ: Công dân là chủ hộ gia đình, cá nhân (trong đó có công dân chủ hộ gia đình, cá nhân đang là cán bộ, công chức) có quyền khiếu nại quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân; khiếu nại quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, khi có căn cứ cho rằng các quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Quyen-khieu-nai-cua-can-bo-cong-chuc/457606.vgp