Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình |
Theo dự thảo, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán một cách đầy đủ, toàn diện và đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp thông tin kế toán, kiểm toán phục vụ cho quản lý, điều hành, ra quyết định và xác định nghĩa vụ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Đồng thời cập nhật hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính, chuẩn mực kiểm toán độc lập, chuẩn mực kiểm toán nội bộ, phương pháp nghiệp vụ trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam; đảm bảo tính so sánh được của thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế; phục vụ việc thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, triển khai áp dụng phù hợp với pháp luật của Việt Nam.
Ban hành mới Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Theo đó, ban hành mới Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập. Nghiên cứu xây dựng Luật kế toán, Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế cho các Luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện Việt Nam và khắc phục các tồn tại hiện nay, làm cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán, kiểm toán. Xây dựng, ban hành các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật, đảm bảo cụ thể hóa các quy định để tổ chức triển khai đúng tinh thần quy định của Luật.
Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng. Xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Ban hành các văn bản hướng dẫn kế toán phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định pháp lý, tạo cơ sở và điều kiện cho việc đàm phán, tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nữa là phát triển nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán, kiểm toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới. Quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo 12 chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Khánh Lin (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Den-nam-2025-hoan-thien-he-thong-phap-luat-ve-ke-toan-kiem-toan-day-du-toan-dien/456741.vgp