Căn cứ huy động tài sản phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 2 Điều 54, Điều 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:

“Điều 54. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch

... 2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

a) Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

Điều 55. Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

2. Việc trưng dụng quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

3. Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Luật này”.

Tại Khoản 4 Điều 5, Khoản 2 Điều 41 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định về điều kiện trưng mua, trưng dụng:

“Điều 5. Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

… 4. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm hoạ do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Điều 41. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, bộ luật

... 2. Bỏ cụm từ “trưng dụng” tại Điều 55 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 và sửa đổi, bổ sung Điều này như sau:

Điều 55. Huy động các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

2. Tài sản đã huy động nếu được hoàn trả phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

3. Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định của Luật này”.

b) Căn cứ quy định nêu trên, kể từ ngày Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2009) thì việc trưng dụng tài sản để đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm hoạ do dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của nhân dân được thực hiện theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Các biện pháp bảo đảm tài sản

Tại Tiết b Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ quy định: “… kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng”.

Trong đó, đối với trường hợp huy động tài sản phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, UBND tỉnh Sơn La xin ý kiến của Bộ Y tế (cơ quan giúp Chính phủ xây dựng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm) để thực hiện theo đúng quy định.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Can-cu-huy-dong-tai-san-phuc-vu-phong-chong-dich-COVID19/454735.vgp