Việc xây dựng thang, bảng lương thuộc thẩm quyền của DN

Doanh nghiệp của ông Lê Trung Quốc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, kê khai mức lương đóng BHXH theo Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) là 3.430.000 đồng từ tháng 2/2021 (doanh nghiệp thuộc vùng III). Sau đó, cơ quan BHXH trả lại hồ sơ yêu cầu doanh nghiệp phải cộng thêm 7% cho công việc qua đào tạo và 5% cho công việc nặng nhọc độc hại theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019.

Ông Quốc hỏi, hiện tại Bộ luật Lao động 2019 không có quy định áp dụng theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 (hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021). Vậy, cơ quan BHXH từ chối giải quyết và trả lại hồ sơ có đúng không?

Cũng theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp không phải đăng ký thang lương năm 2021. Nhưng hiện tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu nộp để xác nhận thì mới được áp dụng thang lương, như vậy có đúng quy định không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì việc xây dựng thang lương, bảng lương thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; khi xây dựng, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) không quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và việc doanh nghiệp phải gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Theo Chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Viec-xay-dung-thang-bang-luong-thuoc-tham-quyen-cua-DN/453285.vgp