Do là nhân viên thời vụ và không có hợp đồng lao động nên bà và một số nhân viên khác không nhận được hỗ trợ từ phía khách sạn. Khách sạn cũng đã cấp cho bà một bản xác nhận có dấu và chữ ký giám đốc. Sau đó, bà 2 lần nộp đơn lên UBND phường xin trợ cấp, diện lao động tự do không có hợp đồng lao động nhưng bị trả về và được giải thích là vì bà đang làm ở công ty.
Bà Vy đã gửi email và liên hệ với phường để hỏi lý do và giải thích về trường hợp của mình. Tuy nhiên, phường giải thích vì nơi bà làm là công ty và đơn vị phải ký hợp đồng với người lao động, nếu không thì là đơn vị đã sai và phải có trách nhiệm với bà, phường không nhận giải quyết trợ cấp cho đối tượng này.
Nhưng trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ bà Vy không thấy quy định này. Bà đã mất thu nhập mấy tháng nay, bà đề nghị được giải đáp về trường hợp của bà.
Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ mỗi bên trong quan hệ lao động là có giao kết hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động phải giao kết bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng thì có thể giao kết bằng lời nói.
Như vậy, nếu trường hợp của bà Mai Vy như trên thì phường trả lời đúng quy định. Bà thuộc trường hợp hỗ trợ đối với người lao động có giao kết hợp đồng lao động, không thuộc đối tượng lao động tự do. Đề nghị bà liên hệ công ty nơi bà làm việc để làm rõ hơn.
Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Co-thoa-thuan-ve-viec-lam-co-tra-luong-la-co-giao-ket-hop-dong-lao-dong/449654.vgp