Bổ sung quy định về công khai cụ thể các yếu tố nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục như: Chương trình giáo dục nước ngoài và kiểm định; giáo viên người nước ngoài |
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, trong các năm 2019 và 2020, Bộ đã thực hiện các hoạt động rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư với nước ngoài của các cơ sở giáo dục, trong đó có việc thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các báo cáo rà soát cho thấy, sau 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong việc tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển giáo dục của Việt Nam, Nghị định số 86 cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tế và một số quy định chưa đồng bộ với các luật mới ban hành.
Do đó, để giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập và đảm bảo tính pháp chế trong hoạt động xây dựng pháp luật, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86 để trình Chính phủ xem xét, ban hành là cần thiết.
Quan điểm xây dựng Nghị định là bảo đảm công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người học, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phù hợp với quan điểm của Đảng, Chính phủ về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời tạo điều kiện thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài có chất lượng, có chọn lọc, đảm bảo phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân.
Bổ sung đối tượng thực hiện liên kết giáo dục
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định quản lý các yếu tố liên quan đến chương trình giáo dục, người học, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai minh bạch các yếu tố nước ngoài. Một số nội dung chính dự kiến sửa đổi, bổ sung như sau:
Bổ sung đối tượng thực hiện liên kết giáo dục: Dự thảo bổ sung đối tượng thực hiện liên kết giáo dục là các cơ sở giáo dục tư thục được thành lập và hoạt động tại Việt Nam (không phân biệt vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài) và tổ chức giáo dục có uy tín, kinh nghiệm và chất lượng hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
Bổ sung quy định cho phép đầu tư theo lộ trình để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong giai đoạn đầu, quy mô tuyển sinh chưa đạt mức tối đa. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải có cam kết đầu tư đủ sau 5 năm kể từ ngày có quyết định cho phép hoạt động.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về công khai cụ thể các yếu tố nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục như: (i) Chương trình giáo dục nước ngoài và kiểm định; (ii) giáo viên người nước ngoài; (iii) quốc tịch học sinh để đảm bảo việc minh bạch thông tin.
Bổ sung quy định về việc đăng ký thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài cho học sinh Việt Nam đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới hoặc mới bắt đầu thực hiện dạy chương trình giáo dục của nước ngoài. Mục tiêu là các chương trình giáo dục nước ngoài giảng dạy cho đối tượng học sinh là người Việt Nam phải là chương trình được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bảo đảm quyền lợi của người học.
Bổ sung trách nhiệm thanh kiểm tra, giám sát, đánh giá và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, nêu rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Sửa đổi một số nội dung trong các quy định về cơ sở vật chất, thiết bị của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cho phù hợp với các quy định hiện hành theo nguyên tắc, quy định đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục không thấp hơn so với đầu tư trong nước
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Khánh Linh(Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Sua-quy-dinh-ve-hop-tac-dau-tu-voi-nuoc-ngoai-trong-linh-vuc-giao-duc/446548.vgp