Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, quy hoạch sử dụng đất an ninh phải đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, kỷ cương; bảo đảm an ninh kinh tế, xã hội, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương trên cả nước, từng vùng và từng địa phương.

Quy hoạch hướng tới phát triển tổng thể các khu vực, điểm đất an ninh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước. Quy hoạch đảm bảo tính kế thừa các nghiên cứu, định hướng sử dụng đất an ninh đã được xác định, sát với thực tiễn, có tính khả thi... 

Về mục tiêu, quy hoạch đất an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từng địa phương, từng vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; giải quyết hài hòa mối quan hệ với các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trưởng sinh thái và phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguyên tắc quy hoạch tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ quy hoạch sử dụng đất an ninh với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương và quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; đồng thời cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phù hợp với chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đối với những vị trí đất an ninh trọng điểm.

Nội dung Quy hoạch bao gồm: Phân tích, đánh giá thực trạng và các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất an ninh; dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất an ninh; xác định quan điểm và mục tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch; định hướng sử dụng đất an ninh trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm; xác định chỉ tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch và phân bố đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh...

Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất an ninh được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; phương pháp lập quy hoạch đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo TTXVN/Thời báo tài chính Việt nam
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-09-15/quy-hoach-su-dung-dat-an-ninh-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-111107.aspx