Doanh nghiệp lũ lượt rời bỏ thị trường
Chốt 6 tháng đầu năm nay, báo cáo tài chính của các ngân hàng gây bất ngờ lớn khi hàng loạt nhà băng tiếp tục công bố các con số từ 2.000-3.000 tỉ đồng đến hơn 13.000 tỉ đồng. Ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh vốn vẫn dẫn đầu thị trường, các ngân hàng ở quy mô vừa và nhỏ cũng gây nhiều chú ý khi công bố các con số lợi nhuận ABBank, TPBank, HDBank, VPBank hay MB cũng công bố các con số lợi nhuận dao động từ trên 1.000 tỉ đồng đến xấp xỉ 8.000 tỉ đồng.
Cũng trong vẻn vẹn 6 tháng đầu năm, hơn 70.000 doanh nghiệp rơi vào khó khăn, bế tác buộc phải rời bỏ thị trường, tính ra trung bình mỗi tháng có hơn 11.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Chỉ sau thêm 2 tháng, con số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phải giải thể tính đến cuối tháng 8.2021 tăng vọt lên trên 85.000 doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - nhìn nhận sự bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 tăng tới hơn 24% so với cùng kỳ 2020 cho thấy tác động của dịch bệnh tới đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hề suy giảm, trái lại còn nặng nề hơn do khả năng tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp cạn kiệt sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, thực tế trên cho thấy các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng và đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19 là hết sức cần thiết.
cần Giảm mạnh lãi vay
Thực tế trong suốt thời gian vừa qua, dù ghi nhận tác động tích cực của các biện pháp hỗ trợ từ phía ngành Ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều hiệp hội ngành nghề vẫn cho rằng mức giảm lãi suất hiện nay của các ngân hàng vẫn chưa đủ sức cứu doanh nghiệp khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.
Trong văn bản mới nhất vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam - cho rằng, mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác.
Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đề nghị cần giảm lãi suất đối với cả nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%.
Bày tỏ quan điểm về ý kiến các ngân hàng đang giảm lãi suất kiểu "nhỏ giọt", chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với những doanh nghiệp đang vay với số tiền lớn (từ khoảng 100 tỉ đồng trở lên) thì việc vay ngân hàng giảm lãi suất 1% là rất đáng kể. Nó có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được vài chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vay ít, gặp khó khăn hoặc đang ngừng hoạt động, giảm lãi suất là tốt nhưng cái họ cần là sự tiếp cận với các nguồn vốn vay mới.
Nói về những biện pháp có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong giai đoạn này, chuyên gia kinh tế cho biết trách nhiệm của ngành Ngân hàng ở thời điểm này có thể là giảm lãi suất, giảm lệ phí, cơ cấu lại nợ, giãn nợ... Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này cũng chỉ giúp các doanh nghiệp đã vay được ngân hàng, còn các doanh nghiệp đang "sống dở chết dở" thì rất khó.
"Tôi nghĩ rằng cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa. Các ngân hàng cần tham gia vào một tổ hợp tín dụng cho cả nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh và cho vay vốn với lãi suất rất thấp từ 3-5%. Và cho vay với hình thức tín chấp chứ không đòi hỏi tài sản đảm bảo" - ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, ngân hàng đang dùng chính lợi nhuận để giảm lãi suất nên sẽ không tiến hành đại trà mà có thể sẽ giảm theo từng đối tượng, từng lĩnh vực cụ thể. Nhiều khả năng từ nay tới cuối năm ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất trên cơ sở cân nhắc các yếu tố để chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Để các ngân hàng có nguồn lực giảm lãi vay, ông Cấn Văn Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các ngân hàng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Có giảm lãi suất điều hành?
Nói về khả năng giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trước đó cho biết, qua phân tích diễn biến thị trường, NHNN nhận thấy vốn khả dụng hay là thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh và đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời. L.D