Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BYT, Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, Thông tư 41/2017/TT-BYT, Thông tư 35/2019/TT-BYT, Thông tư 21/2019/TT-BYT, ông Nguyễn Ngô Hoài Linh (TPHCM) hỏi, ông tư vấn cho cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe như sau có đúng không:
Tiêu chuẩn khám sức khỏe cho người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài là như nhau, do vậy không cần công bố khám sức khỏe cho người nước ngoài nữa vì điều này đã bị bãi bỏ?
Khi khám sức khỏe có bác sỹ đa khoa và bác sỹ gia đình khám thì có thể khám được nhiều khoa theo phạm vi hoạt động chuyên môn, như vậy là không vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh?
Do bác sỹ đa khoa và bác sỹ khám chữa bệnh theo nguyên lý học gia đình có pham vi hoạt động là khám tâm thần (nên có thể thay thế được bác sỹ tâm thần trong khám sức khỏe lái xe)?
Trong khám chữa bệnh các bác sĩ có pham vi họat động chuyên môn nhiều khoa khác nhau (ví dụ chuyên khoa nội tổng hợp, chuyên khoa da liễu, bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn là chẩn đoán hình ảnh….) trong 1 buổi làm việc có đươc thực hiện nhiều chuyên khoa trên không?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Về tiêu chuẩn nhân lực để thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng trong khám sức khỏe (KSK) cho người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài là như nhau?
Tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về “Hướng dẫn khám sức khỏe” đã quy định đối tượng áp dụng:
- Người Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam KSK khi tuyển dụng, KSK định kỳ, KSK khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và các đối tượng khác;
- KSK cho người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại khoản 4, Điều 11, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế” đã quy định: Cơ sở khám sức khỏe đáp ứng các điều kiện sau:
- Là cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Khi KSK, khám bệnh các bác sỹ đa khoa và bác sỹ gia đình có thể khám được nhiều khoa theo phạm vi hoạt động chuyên môn? Trong 1 buổi làm việc có được thực hiện nhiêu chuyên khoa trên hay không?
Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề có phạm vi là khám bệnh, chữa bệnh đa khoa được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 35/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế “Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” đã quy định người hành nghề được thực hiện 499 kỹ thuật chủ yếu liên quan đến chuyên khoa nội, ngoại, sản và nhi.
Những kỹ thuật này chỉ là những kỹ thuật cơ bản của các chuyên khoa, với mục đích sàng lọc ban đầu để trong trường hợp người bệnh cần khám các chuyên khoa thì giới thiệu để khám các chuyên khoa sâu để chẩn đoán xác định và điều trị phù hợp. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào chứng chỉ hành nghề, năng lực chuyên môn và các chứng chỉ đào tạo mà người hành nghề hiện có để phân công và cho phép người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại các vị trí phù hợp theo phạm vi là các kỹ thuật chuyên môn quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 35/2019/TT-BYT.
Về việc khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa thì người hành nghề có chứng chỉ với phạm vi chuyên khoa phù hợp và được phép thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa tương ứng theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Thông tư số 35/2019/TT-BYT. Bác sỹ chuyên khoa mới được kết luận chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa.
Bác sỹ đa khoa và bác sỹ khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình có phạm vi hoạt động là khám tâm thần nên có thể thay thế được bác sỹ tâm thần trong KSK lái xe?
Bác sỹ đa khoa được phép thực hiện 33 kỹ thuật về chuyên khoa tâm thần. Do đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tính chất, mức độ của việc khám sức khỏe cho các đối tượng khác nhau, căn cứ vào năng lực chuyên môn và các chứng chỉ đào tạo hợp pháp mà người hành nghề hiện có để phân công việc phù hợp với người hành nghề.
Tại Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình đã quy định rất rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình và nhiệm vụ của bác sĩ gia đình. Tại các chức năng, nhiệm vụ này không đề cập đến việc thực hiện KSK cho người lái xe.
Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Co-so-bac-sy-gia-dinh-co-duoc-kham-suc-khoe-cho-lai-xe/445269.vgp