Trích lập dự phòng rủi ro đối với doanh nghiệp thẩm định giá

DN thẩm định giá phải xây dựng quy trình và kiểm soát chất lượng hoạt động của DN theo quy định. Ảnh: TL.

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC như sau: Doanh nghiệp (DN) nộp hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá cho thẩm định viên về giá theo quy định tại điểm c và d Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, gồm: Giấy đăng ký hành nghề thẩm định giá tại DN có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của DN; bản sao Thẻ thẩm định viên về giá hoặc Giấy xác nhận đã cấp thẻ thẩm định viên về giá...

Ngoài ra, DN nộp hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá cho thẩm định viên danh sách ít nhất 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm liền trước của thẩm định viên về giá hành nghề đã ký, trừ một số trường hợp.

Nội dung kê khai 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá bao gồm: số, ngày tháng năm phát hành Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá; khách hàng thẩm định giá; DN thẩm định giá và có xác nhận của DN thẩm định giá phát hành.

Trường hợp đăng ký kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho chi nhánh của DN thẩm định giá theo quy định tại Điều 41 Luật Giá, DN thẩm định giá gửi kèm bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và văn bản ủy quyền của DN cho chi nhánh.

Thông tư cũng quy định về trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với DN thẩm định giá. Trường hợp DN thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp với mức trích hàng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng), được hạch toán như trường hợp trích lập dự phòng phải trả. DN phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ quản lý và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.

Khi quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp có số dư cuối năm tài chính tương đương 10% doanh thu dịch vụ thẩm định giá trong năm tài chính thì không tiếp tục trích quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp nữa. Trường hợp DN chấm dứt hoạt động thẩm định giá thì số dư quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết được hạch toán vào thu nhập khác.

Đáng lưu ý, thông tư nêu rõ: DN thẩm định giá xây dựng quy trình và thực hiện kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá của DN theo quy định tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, hướng dẫn của Bộ Tài chính (nếu có).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 3/9/2021./.

Theo Minh Anh(Thời báo tài chính Việt nam)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-08-20/trich-lap-du-phong-rui-ro-doi-voi-doanh-nghiep-tham-dinh-gia-109626.aspx