Ảnh minh họa |
NHNN cho biết, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng đề nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN để đảm bảo phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu kể từ ngày 27/4/2021 với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước.
Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các TCTD, chi nhánh ngân hàng, các doanh nghiệp, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ hậu COVID-19 là cần thiết.
Cũng theo NHNN, trên cơ sở Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, để đảm bảo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời, giúp các TCTD, chi nhánh ngân hàng chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng, theo đó, quan điểm sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch COVID-19, xem xét cho khách hàng vay vốn mới để phục hồi, duy trì sản xuất thông qua giải pháp tình thế về cơ chế là Thông tư 01 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong dịch COVID-19.
Đồng thời, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng xuất phát từ việc Thông tư 01 tạm thời cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ (không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng và khách hàng cần thích ứng với thực trạng dịch COVID-19 tại Việt Nam để chủ động thỏa thuận, thống nhất các nội dung phù hợp với năng lực trả nợ và mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của khách hàng để xác định tiếp tục hoạt động trong trạng thái "bình thường mới".
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN như sau: “Điều 4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022.
3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a- Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản này; b- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020; c- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021; d- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày …/…/2021 (thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành).
4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/06/2022.”
Miễn, giảm lãi, phí
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 5 về miễn, giảm lãi, phí của Thông tư số 01. Cụ thể, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01(đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-NHNN) như sau:
“2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 01/8/2021 như sau: a) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này; b) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại Điểm c, Điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư này; c) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này”.
Đối với các hợp đồng, thỏa thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết về thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư số 01 và Thông tư số 03. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, thỏa thuận nêu trên được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định pháp luật và các quy định có liên quan của Thông tư này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Minh Đức(Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-co-cau-lai-thoi-han-tra-no-de-ho-tro-khach-hang-bi-anh-huong-boi-dich-COVID19/443118.vgp