Xử phạt chủ lâm sản nếu không đánh dấu mẫu vật

Trong quá trình nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công của bên nhận đặt hàng, đơn vị ông Trần Văn Đức (Hà Nội) gặp vướng mắc như sau:

Việc sử dụng tà vẹt gỗ trong bảo trì công trình đường sắt sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước quy định tại TCCS 02:2009/VNRA, TCCS 04:2014/VNRA, TCCS 06:2014/VNRA, theo đó gỗ sử dụng là loại táu mật. Loại gỗ khác không phải táu mật (nhưng không quy định cụ thể là loại gì cho loại tà vẹt gỗ dùng cho đường, ghi; có quy định gỗ từ nhóm II trở lên hoặc dưới nhóm II) thì phải phòng mục.

Kết quả kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của bên nhận đặt hàng cho thấy, tà vẹt gỗ sử dụng là gỗ sến nhóm II. Đơn vị ông Đức đã giải thích gỗ sến là loại gỗ khác không phải là táu mật và phải được ngâm, tẩm phòng mục theo quy định. Tuy nhiên, bên nhận đặt hàng không đồng ý với quan điểm trên.

Vậy hiểu như trên của bên đặt hàng đã phù hợp với quy định hay chưa? Những loại gỗ nào sử dụng trong công trình giao thông bắt buộc phải phòng mục?

Đối với lô gỗ nhập khẩu cần có chứng chỉ chất lượng (CQ) sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ đề nghị nghiệm thu của bên đặt hàng không có.

Ông Đức hỏi, trong quá trình kiểm soát chất lượng gỗ nhập khẩu việc yêu cầu bên nhập khẩu phải có CQ gỗ có phải là bắt buộc không? Có quy định cụ thể nào về CQ nêu trên?

Khi lô gỗ nhập khẩu (10.000m3) về tại kho của đơn vị nhập khẩu (công ty A), có 4 doanh nghiệp cùng ngành đến mua 1.000m3 gỗ của công ty A về sử dụng làm tà vẹt gỗ, do cùng mục đích nên các bên đã thống nhất chỉ cần một biên bản lấy mẫu để thí nghiệm chất lượng gỗ đối với lô gỗ nhập khẩu trên; trong biên bản này chỉ lấy một mẫu (một đoạn gỗ dài 2m) xác suất từ lô gỗ nhập khẩu (10.000m3) trên. Do nhu cầu thực tế nên khối lượng gỗ 4 doanh nghiệp là khác nhau. Ông Đức hỏi, việc lấy mẫu gỗ được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật nào? Trường hợp lấy mẫu nêu trên có tuân thủ quy định và bảo đảm khách quan hay không?

Về việc ghi nhãn, kết quả kiểm tra, nghiệm thu cho thấy trên thân tà vẹt gỗ chưa thực hiện đầy đủ các thông tin như đã quy định.

Như vậy, ngoài việc tuân thủ quy định tại TCCS 02:2009/VNRA thì bên nhận đặt hàng phải tuân thủ Điều 34, 35 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Trong trường hợp mẫu vật không tuân thủ các quy định về nhãn hàng hóa nêu trên được hiểu là không rõ nguồn gốc và chưa đủ điều kiện nghiệm thu, vậy chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi nêu trên được quy định tại văn bản nào?

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Các nội dung hỏi của ông Đức về xử lý vật liệu phục vụ công trình giao thông, loại vật liệu sử dụng trong công trình giao thông, chứng chỉ chất lượng (CQ), lấy mẫu vật liệu để phục vụ mục đích xây dựng công trình giao thông không thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Lâm nghiệp. Đề nghị ông liên hệ với các cơ quan quản lý có liên quan để được giải đáp.

Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, tại các Điều 33, 34, 35 quy định về đánh dấu mẫu vật các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thuộc các Phụ lục CITES; sản phẩm gỗ hoàn chỉnh khi mua bán; không quy định về nhãn hàng hóa.

Chủ lâm sản không đánh dấu mẫu vật theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT thì bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Xu-phat-chu-lam-san-neu-khong-danh-dau-mau-vat/441624.vgp