Ngân hàng phản hồi kiến nghị việc DN không được hỗ trợ tín dụng

Cụ thể, các ngân hàng không cho doanh nghiệp vay, thông báo ngưng giải ngân; các tài trợ thương mại thanh toán quốc tế như LC có bảo đảm từ khách hàng đều bị từ chối cho vay. Đối với Công ty của ông Tuấn, ngân hàng “ép” trả các khoản vay đến hạn có thế chấp bằng tài sản, không tiếp tục cho vay để bổ sung vốn lưu động trong trạng thái công ty đang hoạt động, tăng lãi suất cho vay.

Ông Tuấn có một khoản gửi tiết kiệm tại OCB - Chi nhánh Đồng Nai, lãi suất 3,7%/năm, ngân hàng đề nghị Công ty ông sử dụng gói trả theo tháng, nhưng nếu Công ty vay thì lãi suất lại từ 9-10%/năm. Trong hợp đồng ký hạn mức với OCB - Chi nhánh Đồng Nai, OCB tự ý thông báo ngưng thực hiện hợp đồng hạn mức đã ký. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của Công ty.

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Tuấn đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời các vấn đề ông đã nêu trên.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Đối với nội dung “không cho doanh nghiệp vay, thông báo ngưng giải ngân”: Ông Trần Anh Tuấn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Mây Việt (Công ty Mây Việt). Tại thời điểm ngày 30/5/2021, tổng dư nợ tín dụng tại OCB - Chi nhánh Đồng Nai là 14.500 triệu đồng.

Hiện tại OCB - Chi nhánh Đồng Nai vẫn giải ngân theo nhu cầu của Công ty Mây Việt trong phần hạn mức có tài sản bảo đảm và ngừng giải ngân đối với phần hạn mức không có tài sản bảo đảm.

Nguyên nhân OCB - Chi nhánh Đồng Nai ngưng giải ngân đối với phần hạn mức tín dụng không có tài sản bảo đảm cho Công ty Mây Việt là do doanh thu của Công ty sụt giảm nghiêm trọng, không có nguồn thu/dòng tiền về để bảo đảm thanh toán nợ đến hạn (đặc biệt là sụt giảm nguồn thu từ USD) nên OCB - Chi nhánh Đồng Nai thực hiện theo điều khoản đã ký kết giữa hai bên tại hợp đồng tín dụng.

Về nội dung “các tài trợ thương mại thanh toán quốc tế như LC có bảo đảm từ khách hàng đều bị từ chối cho vay”: Các khoản tài trợ LC của Công ty Mây Việt dựa trên tài sản bảo đảm bằng nguồn thu từ LC xuất khẩu, về bản chất đây được cho là khoản vay không có tài sản bảo đảm, khi nguồn thu từ xuất khẩu của Công ty Mây Việt sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến tài sản bảo đảm.

Do đó, để đảm bảo an toàn vốn của mình, OCB - Chi nhánh Đồng Nai đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro theo điều khoản đã ký kết giữa giữa OCB - Chi nhánh Đồng Nai và Công ty Mây Việt tại hợp đồng tín dụng.

Đối với nội dung: “Ép trả các khoản vay đến hạn có thế chấp bằng tài sản, không tiếp tục cho vay để bổ sung vốn lưu động trong trạng thái Công ty đang hoạt động”: Qua kiểm tra lịch sử trả nợ của Công ty Mây Việt, các khoản thu nợ gốc trong thời gian qua chủ yếu là các khoản vay đã đến hạn. Do đó, Công ty Mây Việt có nghĩa vụ thực hiện trả nợ cho ngân hàng là theo đúng thỏa thuận giữa hai bên và theo quy định của pháp luật.

Việc “không tiếp tục cho vay để bổ sung vốn lưu động trong trạng thái doanh nghiệp đang hoạt động” là do doanh thu của Công ty sụt giảm nghiêm trọng, không có nguồn thu/dòng tiền về để bảo đảm thanh toán nợ đến hạn (đã giải đáp như nêu trên).

Về nội dung “tăng lãi suất cho vay, không hỗ trợ doanh nghiệp”: Khi ký hợp đồng tín dụng hạn mức giữa OCB - Chi nhánh Đồng Nai và Công ty Mây Việt bằng cả VND và ngoại tệ (USD). Thông thường các khoản vay bằng USD có lãi suất khoảng từ 2,8% đến 3,8%/năm và lãi suất các khoản vay bằng VND khoảng 8,3%/năm; việc giải ngân bằng ngoại tệ phải dựa trên cơ sở Công ty có nguồn thu/dòng tiền về trả nợ bằng USD đồng thời Công ty phải có hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn bằng USD phù hợp theo quy chế cho vay…

OCB - Chi nhánh Đồng Nai đánh giá lại và nhận thấy Công ty Mây Việt hiện không đáp ứng điều kiện được giải ngân bằng USD theo quy định của OCB. Do đó, ngày 19/5/2021, OCB - Chi nhánh Đồng Nai giải ngân cho Công ty Mây Việt bằng VND (lãi suất khoảng 8,3%/năm).

Mức lãi suất nêu trên đã được Công ty chấp thuận trước khi áp dụng và phù hợp với chính sách cho vay của OCB tại từng thời điểm giải ngân.

Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Ngan-hang-phan-hoi-kien-nghi-viec-DN-khong-duoc-ho-tro-tin-dung/435373.vgp