Chính sách bán cổ phần tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi

Ông Vũ đã tham khảo Nghị định số 150/2020/NĐ-CP và Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, tuy nhiên có một số nội dung ông chưa nắm rõ, cụ thể như sau:

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP quy định: "Các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước (bao gồm toàn bộ thời gian đã làm việc tại các đơn vị/ tổ chức thuộc khu vực Nhà nước) với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần)".

Ông Vũ hỏi, mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước được tính cụ thể như thế nào (có được làm tròn không, nếu được làm tròn thì cụ thể làm tròn như thế nào, quy định tại Thông tư, Nghị định nào)? "60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần)" được hiểu là 60% của 10.000 đồng, hay là 60% của giá khởi điểm?

Về việc xác định giá trị tài sản theo Thông tư số 111/2020/TT-BTC, ông Vũ đề nghị cơ quan chức năng giải thích rõ cách hiểu cụm từ "rừng trồng, vườn cây" nêu tại Điểm đ Khoản 2 Điều 9.

Đơn vị ông có một số cây nhãn, mít, dừa, sung tự mọc và đơn vị xin về trồng (không có hóa đơn, chứng từ mua bán cây) trong khuôn viên cơ quan. Ông Vũ hỏi, số cây này được tính giá trị tài sản như thế nào? Nếu tính giá trị thì đơn vị có thể cắt làm củi trước khi định giá để giảm giá tài sản đơn vị không?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Các chính sách bán cổ phần cho người lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi

a) Đối tượng mua cổ phần với giá ưu đãi bao gồm: Viên chức, người lao động làm việc theo hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi;

b) Các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước (bao gồm toàn bộ thời gian đã làm việc tại các đơn vị/tổ chức thuộc khu vực Nhà nước) với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần)”.

Căn cứ quy định nêu trên, viên chức, người lao động làm việc theo hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế (không có quy định về tính tháng lẻ để làm tròn năm thực tế) làm việc tại khu vực Nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.

Cách xác định giá trị tài sản là rừng trồng, vườn cây

Tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 7/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quy định đối tượng ghi sổ kế toán tài sản cố định như sau:

“Vườn cây thuộc khuôn viên đất độc lập, có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên (không tính giá trị quyền sử dụng đất); hoặc từng cây lâu năm có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên được xác định là một đối tượng ghi sổ kế toán tài sản cố định”.

Theo Thông tư số 111/2020/TT-BTC, tại Điều 4 quy định:

“1. Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị.

2. Tại thời điểm xác định giá trị, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải lập bảng kê xác định đúng chủng loại, số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị tài sản hiện có do đơn vị sự nghiệp đang quản lý và sử dụng;... ”.

Tại Điểm đ Khoản 2 Điều 9 của Thông tư quy định: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có tài sản hiện vật là rừng trồng, vườn cây, khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập thì giá trị rừng trồng, vườn cây được xác định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có)”.

Căn cứ quy định nêu trên, vườn cây thuộc khuôn viên đất độc lập, có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên (không tính giá trị quyền sử dụng đất); hoặc từng cây lâu năm có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên được xác định là tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập để chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị sự nghiệp công lập phải lập bảng kê xác định đúng chủng loại, số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị tài sản hiện có do đơn vị sự nghiệp đang quản lý và sử dụng.

Việc xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản là rừng trồng, vườn cây được xác định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Chinh-sach-ban-co-phan-tai-don-vi-su-nghiep-cong-lap-chuyen-doi/434011.vgp