(Chinhphu.vn) – Năm 2000, ông Hà Sỹ Nguyên (Kon Tum) mượn bằng tốt nghiệp THPT của người khác để đăng ký dự tuyển công nhân. Ông Nguyên được công ty cử đi đào tạo nghề, sau đó về làm việc tại công ty từ năm 2001 đến nay, đóng BHXH theo hồ sơ của người đã cho mượn bằng tốt nghiệp.
Hiện tại các giấy tờ tùy thân của ông Nguyên không khớp với hồ sơ lưu tại công ty. Ông Nguyên hỏi, vậy sau này ông có được nhận chế độ BHXH không? Nếu không thì ông cần làm thủ tục gì để được hưởng quyền lợi BHXH ông đã tham gia?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Khoản 4, Điều 17 Luật BHXH năm 2014; Điểm c, Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trường hợp của ông Nguyên mượn hồ sơ của người khác để làm việc và đóng BHXH bắt buộc là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động và BHXH.
Vì vậy, để có đủ căn cứ xác định mức độ vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị ông Nguyên phản ánh với đơn vị sử dụng lao động báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để kiểm tra, xác minh, xử lý. Kết luận của các cơ quan này là căn cứ để cơ quan BHXH thực hiện chính sách BHXH đối với ông theo đúng quy định.