Điều 237 Bộ luật Dân sự quy định quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
"Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác; chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy; tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu; tài sản bị trưng mua; tài sản bị tịch thu; tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của bộ luật này; trường hợp khác do luật quy định".
Như vậy, khi người Việt Nam từ bỏ quốc tịch Việt Nam không phải là căn cứ để chấm dứt quyền sở hữu.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015 quy định điều kiện để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.
Do chủ sở hữu có rất nhiều quyền đối với tài sản của mình nên để đảm bảo an toàn thì khi ủy quyền cho người khác cần lưu ý đến từng nội dung ủy quyền. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến quyền định đoạt tài sản. Đây là một trong các quyền rất quan trọng.
Nếu ủy quyền cho người khác thực hiện quyền định đoạt thì tài sản này có thể bị mang đi giao dịch và chấm dứt quyền sở hữu của chủ tài sản.
Thông thường, việc ủy quyền của các bên liên quan đến tài sản là nhà, đất thường được lập tại các cơ quan công chứng theo mẫu. Người ủy quyền cần xem xét kỹ những nội dung nào không cần thiết hoặc không trao cho người nhận ủy quyền thì phải lược bỏ để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, người ủy quyền cần quan tâm đến thời hạn ủy quyền. Chủ sở hữu tài sản hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt ủy quyền khi cần thiết.