Lương hưu không đủ tiền thuốc men
“Tiền lương hưu của tôi là 2,1 triệu đồng/tháng, số tiền này quá thấp, không đủ để mua tiền thuốc hằng tháng, chưa nói đến sinh hoạt phí” - bà Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1950 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bộc bạch khi chúng tôi hỏi về khoản lương hưu bà vừa nhận.
Năm 1970, bà Minh là giáo viên tiểu học, tham gia công tác giảng dạy 17 năm, bà phải nghỉ hưu sớm vì sức khoẻ không đảm bảo. “Sau khi giám định y khoa, tôi được đồng ý nghỉ hưu trước tuổi vì mất sức lao động” - bà Minh nói.
Bà Minh đang sống cùng chồng ở một căn hộ chung cư. Với số tiền hưởng chế độ hưu trí 2,1 triệu đồng mỗi tháng, tất cả chi phí bà đều phải phụ thuộc vào lương hưu của chồng là đại tá quân đội.
Mỗi năm bà đi viện 2-3 lần, sức khoẻ yếu dần nên nhiều năm qua, bà không thể rời khỏi nơi cư trú.
“Tôi thấy mức lương hưu của mình là thấp, sống ở thủ đô, số tiền đó chỉ đủ để trả tiền dịch vụ khu chung cư, điện, nước. Tất cả chi phí sinh hoạt tôi phải trông cậy vào chồng, con. Tôi nghĩ không chỉ tôi có mức lương không đủ sống mà rất nhiều người khác cũng cùng chung cảnh ngộ” - bà Minh nói.
Tương tự, ông Trần Văn Bảy, sinh năm 1946, quê ở huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá sau khi đi bộ đội, ông trở về quê làm bảo vệ cho một công ty lâm nghiệp. Đến năm 2010, ông được về hưu và hưởng lương hưu ở mức 1.052.000 đồng/ tháng.
Hiện ông Bảy bị bệnh về xương khớp, kèm theo đó là tiểu đường, tiền lương không thể đủ để chi trả mỗi khi ông nằm viện. Ông Bảy có 5 người con, nhưng các con đều khó khăn. Năm 2019, khi chính quyền thu hồi đất để làm dự án cao tốc Bắc - Nam, mảnh ruộng từ lâu của ông được đền bù, từ đó có thêm một khoản phòng khi ốm đau.
Kiếm thêm thu nhập ở tuổi già
Bà Trần Thị C ở tỉnh Thái Bình làm y tá tại Trung tâm Y tế huyện gần 32 năm. Năm 2014, bà về hưu. Hiện nay, mức lương hưu của bà là 4,6 triệu đồng/tháng. “Với mức lương hưu này, nghe thì khá cao khi sống ở nông thôn, nhưng thực sự, cuộc sống khi về già của tôi vẫn rất khó khăn. Với mức lương hưu trên, chia nhỏ ra mỗi một ngày chỉ được 150.000 đồng cho 2 vợ chồng già”- bà C cho hay.
Thực phẩm ngày càng đắt lên, rồi tiền điện, tiền nước, tiền ga… Hơn nữa, ở quê với nhiều mối quan hệ họ hàng, làng xóm, nên khoản chi tiêu cho ma chay, hiếu hỉ… cũng không phải nhỏ. Đấy là chưa kể lúc ốm đau, bệnh tật. “Nếu chẳng may một trong hai vợ chồng mà bị bệnh nặng thì thực sự tôi không biết sẽ xoay xở thế nào. Tôi được biết, mỗi ngày nằm viện, chỉ riêng tiền phòng đã phải mất tới vài trăm nghìn đồng rồi thì lương hưu làm sao mà đủ được. Vì vậy, tôi chỉ “cầu trời” cho 2 vợ chồng luôn được khoẻ mạnh” - bà C nói. Thường thì hằng tháng, ông bà dùng hết lương hưu, không để dành dụm được đồng nào.
Chồng bà C không có lương hưu. Ông bà có 2 con, nhưng chưa có điều kiện để phụng dưỡng bố mẹ. Để có thêm thu nhập hằng ngày, bà C vẫn khám, chữa những bệnh đơn giản cho người dân trong xã. Mỗi ngày, công việc này mang lại cho bà khoảng 50.000-100.000 đồng.
Không có được mức lương hưu như bà C, ông Lê Viết T ở huyện Vũ Thư, Thái Bình chỉ có mức lương hưu rất thấp là 1,6 triệu đồng/tháng cộng với một khoản khác là 200.000 đồng. Ông T đi bộ đội 8 năm, làm cán bộ xã 13 năm, nhưng do những trục trặc về thủ tục, nên mãi năm 64 tuổi ông mới về hưu.
Để có thêm chút ít thu nhập, mặc dù tuổi đã già, sức yếu, nhưng không thể “vui thú điền viên”, ông T vẫn phải đi làm thêm. Hằng ngày, ông nhận đồ rồi bán hàng thuê cho các cửa hàng. Với công việc này, mỗi ngày ông được trả khoảng 60.000 đồng. Số tiền thù lao ít ỏi này chỉ giúp thêm chút đỉnh để ông chi tiêu hằng ngày.
Mặc dù chi tiêu rất tằn tiện, nhưng gần như ông không thể dành dụm được đồng nào. “Tôi rất sợ khi nghĩ đến lúc mình bị bệnh tật, phải nằm viện. Lúc đấy, đành trông chờ vào các con thôi, chứ chẳng biết làm thế nào” - ông T than thở.