Anh Sơn, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ như trên khi được hỏi về dự định của anh nếu bị mất việc.
Quê ở Phú Thọ, anh Sơn làm công nhân được 10 năm nay. Đó cũng là số năm anh tham gia bảo hiểm xã hội. Anh Sơn cho hay, nếu tiếp tục làm việc thì anh sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng nếu bị mất việc, hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động do hoàn cảnh gia đình, anh sẽ làm thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.
“Năm nay tôi 34 tuổi, phải đợi đến ngoài 60 tuổi mới được hưởng lương hưu (trong trường hợp tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện). Thời gian đó là quá dài, nên tôi nghĩ, nhiều người lao động sẽ lựa chọn như tôi. Tôi cho rằng, những người tầm 50 tuổi mà họ đã đóng BHXH được 10—15 năm thì họ mới chờ được lúc về hưu, còn giới trẻ như tôi khó mà đợi được đến thời điểm đó” - anh Sơn lý giải.
Theo anh Sơn, nếu bị mất việc, phải về quê, anh sẽ cần một khoản đầu tư vào việc khác kiếm sống, và như vậy, khoản BHXH một lần, ví dụ được khoảng 100 triệu đồng sẽ là một nguồn; còn về lâu dài sẽ tính sau.
“Có ý kiến cho rằng, nhiều người chốt sổ hưởng BHXH một lần thì sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Điều đó cũng có lý, nhưng xét ở góc độ người lao động như tôi, nếu mất việc thì trước mắt không có khoản tiền thu nhập nào, thời gian để hưởng lương hưu còn xa, nên sẽ có nhiều người chọn hưởng BHXH một lần” - anh Sơn chia sẻ.
Nói về đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, anh Sơn ủng hộ, cho rằng, lương hưu giảm cũng được (khi thời gian tham gia BHXH ngắn), vì có lương hưu là đời sống của người lao động sẽ đỡ vất vả hơn, trong khi họ có thể làm thêm những việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Về đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho rằng, đây là một chính sách có lợi cho người lao động, giúp người lao động được bảo vệ tốt hơn trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để người lao động tăng khả năng tiếp cận với lương hưu, đặc biệt là người lao động cao tuổi, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít.
“Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sẽ thu hút người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn, giảm tình trạng chốt sổ sớm để hưởng một lần. Tình trạng chốt sổ sớm hưởng một lần về lâu dài sẽ gây ra gánh nặng cho xã hội, vì người già sẽ không có thu nhập và nhà nước phải bố trí nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc y tế” - ông Sinh bày tỏ.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, thực hiện như đề xuất này cần phải có chính sách đồng bộ để vấn đề cốt lõi là người lao động khi nghỉ hưu có khoản lương đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, nếu không sẽ không khuyến khích người lao động tham gia.