Có được cầm cố sổ đỏ hay không?
Theo quy định tại Khoản 6 điều 13 Luật Đất đai 2013: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".
Khoản 1 điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý. Do không phải là tài sản nên không thể cầm cố mà sổ đỏ chỉ có thể đem đi thế chấp ngân hàng.
Nếu sổ đỏ cầm cố được thì cũng chỉ thực hiện tại các cở sở kinh doanh, dịch vụ cầm đồ phi pháp. Trường hợp xảy ra tranh chấp, các hợp đồng cầm cố sẽ bị Tòa án tuyên vô hiệu, cơ sở cầm đồ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Sổ đỏ đem cầm cố có làm lại được không?
Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chỉ cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị mất. Trường hợp cầm cố hay thế chấp sổ đỏ rồi báo mất để xin cấp lại sổ mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp bạn đã cầm cố sổ đỏ thì sẽ không làm lại được sổ mới mà chỉ có thể khởi kiện để đòi lại sổ đỏ từ cơ sở cho vay cầm cố.
Nếu bên cầm cố không chịu trả sổ đỏ thì căn cứ trên bản án, quyết định của Tòa án, người cầm cố sổ đỏ có thể yêu cầu cơ quan chức năng thi hành án làm việc với văn phòng đăng ký đất đai, hủy sổ đỏ đã cầm cố và cấp lại sổ đỏ mới theo đúng quy định pháp luật.