Gia đình ông Lý Văn Đông (Cà Mau) cho Công ty CP Di động Toàn Cầu (Gtel) thuê đất để lắp đặt trạm ăng ten viễn thông (tổng 10 năm, chia ra 2 lần, mỗi lần 5 năm). Lần thuê thứ 2 từ ngày 13/10/2014 đến hết ngày 13/10/2019, giá cho thuê 2.300.000 đồng/tháng.
Thời hạn hợp đồng đã hết nhưng Công ty Gtel không thực hiện bàn giao mặt bằng và khoản nợ còn thiếu từ tháng 11/2017 đến nay vẫn chưa thanh toán. Thiết bị của trạm ăng ten xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo dưỡng, gây nguy hiểm cho gia đình ông Đông và những người xung quanh.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Đông đề nghị cơ quan chức năng xem xét, đề nghị Công ty Gtel sớm tháo dỡ, trả mặt bằng để bảo đảm sức khỏe của gia đình và những người xung quanh.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:
Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được một số phản ánh của các địa phương và của người dân về việc cột ăng ten của Công ty Gtel Mobile lâu ngày không được sửa chữa, bảo dưỡng gây mất an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh.
Trên cơ sở phản ánh của các Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) đã có văn bản chỉ đạo Gtel Mobile và văn bản gửi các cơ quan liên quan đề nghị chỉ đạo Gtel Mobile thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng và giải quyết phản ánh kiến nghị của các địa phương và của người dân.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất các nội dung hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện việc xử lý các trạm BTS không bảo đảm an toàn của Gtel Mobile nói riêng và của các doanh nghiệp viễn thông nói chung trên toàn quốc.
Cụ thể, đánh giá mức độ an toàn chịu lực và an toàn vận hành của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì xây dựng.
Tiến hành xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Đối với các cột ăng ten có nguy cơ sụp đổ, sẽ ban hành các văn bản cưỡng chế phá dỡ quy định tại Khoản 44, Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung số 62/2020/QH14 năm 2020.
Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thiện và ban hành văn bản hướng dẫn gửi các cơ quan chức năng tại địa phương (Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông) để triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.