Tiền lương dạy thêm giờ có được miễn thuế thu nhập?

Về vấn đề này Cục Thuế TP. Cần Thơ hướng dẫn ông Vũ Xuân Nam như sau:

Điều 97 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%.

- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%.

- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Các trường hợp dạy thêm giờ được thanh toán

Theo Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.

Năm học quy định tại Thông tư liên tịch này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.

Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ nghề được áp dụng định mức giờ dạy/năm quy định cho cấp học, trình độ nghề cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí tiền lương dạy thêm giờ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cơ sở giáo dục công lập quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư liên tịch này, căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.

Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật BHXH hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thah tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật BHXH; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.

Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Cách tính tiền lương dạy thêm giờ

Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định:

Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ:

- Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 1 giờ dạy thêm.

- Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%.

- Tiền lương 1 giờ dạy:

Đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tiền lương 01 giờ dạy

=

Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học

x

22,5 tuần

Định mức giờ dạy/năm

52 tuần

Đối với nhà giáo làm công tác quản lý, cán bộ Đoàn, Hội tham gia giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giảng viên cùng chức danh, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.

- Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).

Các khoản thu nhập được miễn thuế

Tiết i, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:

"Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là: 

60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ 

i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế".

Căn cứ vào các quy định trên, trường hợp giảng viên dạy thêm giờ thì tiền lương một giờ dạy thêm (xác định theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC) được trả cao hơn so với tiền lương một giờ dạy được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp số giờ dạy thêm vượt trên 200 giờ/năm nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận quyết toán kinh phí chi trả thì tiền lương dạy thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương một giờ dạy (xác định như trên) được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Theo Chinhphu.vn