Trên đây là câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ: naansxx@xx gửi đến Văn phòng Tư vấn Báo Lao Động nhờ tư vấn.
Luật gia Cấn Thị Phương Dung - Công ty Luật TNHH YouMe - trả lời:
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (Nghị định số 64/2008/NĐ-CP) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định về quản lý tài chính, chế độ báo cáo như sau:
1. Chậm nhất 90 ngày sau khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, Ban Cứu trợ cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương về số tiền, hàng đã huy động được và số tiền, hàng đã sử dụng, chi cho từng mục tiêu (cứu trợ dân sinh, xử lý môi trường…); số tiền, hàng còn dư (nếu có). Ban Cứu trợ cấp tỉnh quy định thời gian báo cáo đối với cấp huyện và cấp xã.
Điều 14 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy đinh về công khai tiền, hàng cứu trợ như sau:
1. Đối với các tổ chức, đơn vị trực tiếp vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ phải công khai số tiền, hàng nhận được; số tiền, hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương thực hiện công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ cho các đối tượng.
3. Kết thúc cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lập báo cáo kết quả cuộc vận động (tổng hợp số tiền, hàng đóng góp tự nguyện, số tiền đã phân phối cho các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng) gửi Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Tài chính và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai thực hiện theo quy định trên.