Chủ cơ sở phải tập huấn an toàn thực phẩm cho nhân viên

Bà Nguyễn Thị Nhung (Phú Thọ) tham khảo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP thấy có quy định, đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, được chủ cơ sở xác nhận và không mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E; viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bà Nhung hỏi, vậy việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người trực tiếp chế biến thức ăn được thực hiện bởi đơn vị có đầy đủ chức năng như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tại địa phương… hay được thực hiện bởi chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống?

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 thuộc Khoản 3 Điều 2 Chương I Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở (thay thế cho Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm).

Do đó, chủ cơ sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống (có thể mời các chuyên gia về lĩnh vực an toàn thực phẩm tới giảng bài).

Tài liệu tập huấn là các văn bản về an toàn thực phẩm còn hiệu lực, tài liệu được phê duyệt, phát hành (tài liệu tập huấn và đánh giá có thể tải trên website của Cục An toàn thực phẩm). Chủ cơ sở chịu trách nhiệm đối với kết quả tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do mình xác nhận.

Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương không thực hiện việc xác nhận kiến thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Việc quy định người trực tiếp sản xuất, kinh doanh không mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E; viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp là để doanh nghiệp khi phát hiện người mắc thì phải cho người bệnh ra khỏi khu vực sản xuất và chỉ được tham gia sản xuất, kinh doanh khi đã khỏi bệnh.

Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Chu-co-so-phai-tap-huan-an-toan-thuc-pham-cho-nhan-vien/408907.vgp