Có được truy lĩnh chênh lệch khi nâng lương?

Ông Danh hỏi, ông có được truy lĩnh số tiền lương theo hệ số mới kể từ ngày 12/8/2020 trong tháng 8/2020 hay không? Và nếu có thì theo quy định nào? Ngoài ra, theo quy định nào thì công chức làm việc thực tế bao nhiêu ngày trong tháng thì được đóng BHXH của tháng đó?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tình trạng còn hiệu lực), thì thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Trường hợp ông Nguyễn Danh là công chức tại một cơ quan Nhà nước. Ngày 11/8/2020 cấp có thẩm quyền ban hành “Quyết định về việc nâng lương thường xuyên đối với công chức”. Theo quyết định này ông Danh được nâng từ bậc lương 2/9 hệ số 2,67 lên bậc 3/9, hệ số 3,00 kể từ ngày 12/8/2020.

Nếu tính đúng ngày, tháng hưởng lương bậc 3/9 hệ số 3,00 theo quyết định, thì:

- Từ ngày 1/8/2020 đến ngày 11/8/2020, trừ 4 ngày nghỉ hàng tuần thứ Bảy, Chủ nhật (1/8, 2/8, 8/8, 9/8) không hưởng lương, thì ông Danh có 7 ngày (3/8; 4/8; 5/8; 6/8; 7/8, 10/8 và 11/8) làm việc hưởng lương bậc 2/9 hệ số 2,67.

- Từ ngày 12/8/2020 đến ngày 31/8/2020 trừ 6 ngày nghỉ hàng tuần thứ Bảy, Chủ nhật (15/8, 16/8, 22/8, 23/8, 29/9, 30/8) không hưởng lương, thì ông Danh có 13 ngày làm việc (12/8, 13/8, 14/8, 17/8, 18/8, 19/8, 20/8, 21/8, 24/8, 25/8, 26/8, 27/8, 28/8 và 31/8) hưởng lương bậc 3/9 hệ số 3,00.

Do tiền lương tháng 8/2020 ông Danh đã nhận đủ theo bậc 2/9 hệ số 2,67 ngay từ ngày đầu của tháng. Vì vậy, đến tháng kế tiếp, cùng với tiền lương tháng 9/2020 theo bậc 3/9 hệ số 3,00, ông Danh sẽ được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch giữa tiền lương bậc mới và tiền lương bậc cũ của 13 ngày làm việc từ ngày 12/8 đến ngày 31/8/2020, là: (3,00 – 2,67)/20 ngày làm việc trong tháng x 13 ngày làm việc theo bậc lương mới.

Tuy nhiên thực tế, phần lớn các cơ quan, đơn vị khi ban hành quyết định nâng bậc lương cho công chức, viên chức thường ấn định ngày hưởng lương mới là ngày đầu tiên của tháng được nâng bậc lương, nhằm thuận tiện cho việc tính trả lương và đăng ký biến động tiền lương đóng BHXH. 

Về số ngày làm việc và hưởng tiền lương trong tháng phải đóng BHXH: Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động (bao gồm công chức, viên chức) không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Báo Chính phủ

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Co-duoc-truy-linh-chenh-lech-khi-nang-luong/408570.vgp