Doanh nghiệp mong chờ gì từ Nghị quyết 35/NQ-CP?

ck1
Thị trường chứng khoán tiếp tục được tái cấu trúc

Nghị quyết này đã thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đổi mới môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. TBTCVN xin giới thiệu ý kiến một số đại diện của doanh nghiệp, các chuyên gia về Nghị quyết quan trọng này.

* Bà Hoàng Việt Phương, Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI):

Tăng hiệu ứng tâm lý cho nhà đầu tư

hvp 

Bà Hoàng Việt Phương 

Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ là sự cụ thể bước đầu các cam kết của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào cuối tháng 4 tại TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đánh giá đây là những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ mới đối với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại trong quý I vừa qua.

Tôi thấy rằng, nội dung của Nghị quyết 35 khá toàn diện, nhưng cũng rất cụ thể, và có thời hạn rõ ràng cho các công việc cần làm của các cơ quan của Chính phủ. Ví dụ như, với Bộ Tài chính thì liên quan đến việc giảm thuế, cả thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, hay như với Bộ Tài nguyên và Môi trường là nghiên cứu sửa đổi các quy định về đất đai theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp. Tất cả đều theo hướng giảm chi phí kinh doanh (cả trực tiếp như các chi phí kể trên hay gián tiếp thông qua việc cải cách thủ tục hành chính).

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, có lẽ cần phải chờ một thời gian để xem các cam kết của Chính phủ được các cơ quan có liên quan triển khai trong thực tế như thế nào. Đó mới là điều quan tâm nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp.

Các cam kết của Chính phủ trong Nghị quyết 35 là áp dụng chung cho các doanh nghiệp, chứ không chỉ với các doanh nghiệp niêm yết. Riêng với thị trường chứng khoán, Nghị quyết 35 cũng nhắc lại việc tiếp tục tái cấu trúc thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển thị trường phái sinh, hợp nhất hai Sở giao dịch … gắn liền cổ phần hóa với niêm yết và đẩy mạnh việc triển khai mô hình quỹ tương hỗ (mutual fund) để sớm trình Chính phủ trong quý III/2016.

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, tác động của Nghị quyết không mang tính trực tiếp, mà thể hiện ở điểm, Chính phủ mới đã tỏ rõ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp, xóa đi các lo ngại, hoài nghi trước đó về định hướng điều hành của Chính phủ mới.

* Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc: 

“Luồng gió mới” cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm

ol 

Ông Phùng Đắc Lộc 

Nghị quyết 35/NQ-CPvề hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển, trong đó có DN bảo hiểm (BH), DN tái BH, DN môi giới BH…, đang thực sự mang lại “luồng gió mới” trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh BH nói riêng.

Nghị quyết 35 đã đề ra những giải pháp rất rõ ràng vì sự phát triển của DN và cũng chi tiết đến từng cơ quan chủ quản, đồng thời kế thừa được những chương trình hành động của các Nghị quyết trước đó của Chính phủ. Nghị quyết 35 đã khẳng định nguyên tắc: Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho DN đầu tư kinh doanh và phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN; có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý…

Theo đó, các nguyên tắc chỉ đạo trên sẽ được đưa vào nghị định (NĐ) hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BH, NĐ hướng dẫn chế độ tài chính trong hoạt động kinh doanh BH cũng như các thông tư hướng dẫn thi hành 2 NĐ này trong thời gian sắp tới…, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN kinh doanh BH phát triển mạnh mẽ, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển thị trường BH giai đoạn tới.

Nghị quyết 35 sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh BH, cụ thể, thủ tục hành chính sẽ được cải cách mạnh mẽ và quyết liệt; quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh… Theo đó, sẽ sớm giải quyết sự chồng chéo trong phê chuẩn sản phẩm BH nhân thọ của Bộ Tài chính và đăng ký sản phẩm BH của Bộ Công thương theo QĐ 35/2015/QĐ-TTg.

Đặc biệt, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; quy định về giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực; mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động..., sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển, người lao động tăng thêm thu nhập, theo đó tỷ lệ DN, người lao động tham gia BH sẽ gia tăng nhanh chóng.

Nghị quyết 35 đã đưa ra định hướng rất rõ ràng, quyết tâm, nhưng để Nghị quyết không chỉ trên “giấy” mà thực sự đi vào cuộc sống rất cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương… Người dân, DN nói chung và DN kinh doanh BH nói riêng đang mong đợi sự triển khai trong thực tế.

* TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV: 

Nghị quyết 35 đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng

luc 

Ông Cấn Văn Lực 

Đây là một Nghị quyết sâu, rộng và dài hơi, không chỉ cho năm 2016 mà cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết đưa ra những nguyên tắc quan trọng về doanh nghiệp như: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Về mục tiêu, Nghị quyết đưa những mục tiêu tham vọng, ví dụ như đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp 48 - 49% GDP, năng suất lao động tăng bình quân 5%/năm. Đây là những mục tiêu cụ thể, có tính định hướng. Đồng thời Nghị quyết đưa ra 5 nhóm giải pháp quan trọng về cải cách hành chính; về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; về đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp; về giảm chi phí kinh doanh; nhóm cuối cùng là bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đây là những điểm nhấn đáng ghi nhận từ Nghị quyết 35.

Để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, các địa phương, bộ, ngành cần khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết với mục tiêu, lộ trình, chỉ tiêu cụ thể. Phải tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương bởi để hỗ trợ được doanh nghiệp thì phải có sự phối hợp đồng bộ, về vốn, công nghệ, về cơ sở hạ tầng, về thủ tục hành chính. Về phía Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tạo lập được nguồn vốn, nguồn lực để hỗ trợ DN dài hơi. Cuối cùng, quan trọng nhất bản thân DN cũng cần phải chủ động, nỗ lực cố gắng chứ không chỉ trông chờ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương.           

* Ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác 
công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ):
 

Cần công khai thủ tục hỗ trợ tài chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo

xuyen 
Ông Nguyễn Hữu Xuyên 

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua hoạt đổi mới sáng tạo là một  xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ nay đến năm 2020, có khoảng 30  - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo hàng năm là một trong các mục tiêu mà Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã xác định.

Ưu điểm nổi bật của Nghị quyết 35/NQ-CP là Chính phủ tập trung, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng thời có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ các dự án đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để các hoạt động đổi mới sáng tạo thành công thì cần thiết phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới, Nhà nước không thể làm thay nhưng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hỗ trợ và tạo môi trường bình đẳng, công bằng, điều này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết 35/NQ-CP. 

Thực tế cho thấy, đổi mới sáng tạo là hoạt động chứa nhiều rủi ro và không chắc chắn. Do vậy, để đạt được mục tiêu hàng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo  thì Chính phủ cần phải chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành, địa phương có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, đồng thời cần cụ thể hóa danh mục các hoạt động đổi mới sáng tạo được hỗ trợ và mức hỗ trợ. Ngoài ra, cần xây dựng các kế hoạch hỗ trợ hàng năm cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công bố các thủ tục, quy trình liên quan tới hỗ trợ tài chính cho đổi mới sáng tạo một cách công khai, rõ ràng và minh bạch.

* Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10:

Kéo ngắn khoảng cách trên “giấy” với thực tế

viet 

Ông Thân Đức Việt

Đây là Nghị quyết mà các doanh nghiệp mong chờ nhất, trong đó có Tổng Công ty May 10. Nghị quyết 35/NQ-CP chỉ rõ tư tưởng của Chính phủ đối với phát triển kinh tế của đất nước khi đặt điểm tựa chính là cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng tôi đánh giá cao về nội dung liên quan đến vấn đề không phân biệt đối tượng, loại hình doanh nghiệp là nhà nước, là tư nhân hay doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, giảm thiểu tất cả những vướng mắc, gánh nặng do thủ tục hành chính gây ra cho doanh nghiệp…tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, trong Nghị quyết nêu rất rõ mục tiêu cụ thể của Chính phủ và các bộ liên quan về các hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể là yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ giảm tiền thuê đất, phí chuyển đổi quyền sử dụng đất, điều chỉnh mức phí vận tải, đường bộ…  

Trên thực tế, nếu Chính phủ Việt Nam không thay đổi trong khi Chính phủ các nước láng giềng như Lào, Campuchia thay đổi và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp thì chính doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua doanh nghiệp các nước này, chứ chưa nói đến việc nhìn ra các doanh nghiệp tại các nền kinh tế phát triển hơn trên thế giới. 

Tuy nhiên, xưa nay đã có rất nhiều nghị quyết, thông tư nhằm gỡ rối và giúp đỡ doanh nghiệp, nhưng khoảng cách từ “trang giấy” đến thực thi thực tế còn quá xa. Do đó, với Nghị quyết này, chúng tôi mong sẽ sớm được các bộ, ban ngành triển khai thực thi thực sự trong thực tiễn chứ không chỉ dừng lại trên văn bản. 

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm, nếu Nghị quyết không được thực thi hiệu quả và gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp thì sẽ lại trễ mất một khoảng thời gian và lại tiếp tục mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

* Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành:

Cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng

duc 

Ông Nguyễn Văn Đực 

Tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, sửa đổi các quy định về cấp phép xây dựng để giảm thời gian cấp phép; tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh hơn trong việc thẩm định thiết kế, dự toán… Đây là những mong mỏi rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng. Hiện nay, việc cấp phép xây dựng vẫn đang là khâu phức tạp và mất nhiều thời gian nhất. Trước đây 6 -7 năm, Bộ Xây dựng thống kê có 33 bước thủ tục xây dựng và tìm cách giảm, nhưng rất tiếc gần đây với tư duy “quản chặt” thì lại “đẻ” thêm các thủ tục và phức tạp hơn. Theo tính toán của tôi, nếu thủ tục cấp phép xây dựng giảm từ 10 - 15% thì giá bán căn hộ có thể giảm 5%, nên doanh nghiệp rất mong chờ vào những chính sách, biện pháp tích cực của Bộ Xây dựng để quy trình cấp phép xây dựng được tinh gọn hơn…

Bên cạnh đó, quá trình phân cấp trong việc thẩm định thiết kế dự án cũng nên được đẩy mạnh hơn. Hiện nay, theo quy định hiện hành những công trình, dự án cao trên 23 tầng thì Sở Xây dựng các địa phương không được phép phê duyệt mà phải do Bộ Xây dựng phê duyệt cấp phép. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên phân loại lại các dự án để phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các Sở Xây dựng địa phương thực hiện công việc này. Bởi lẽ, hiện nay, hầu hết các dự án nhà ở đều có chiều cao trên 23 tầng, và hàng năm có gần trăm công trình như thế. Do đó, với một số lượng các dự án chuẩn bị đầu tư mỗi năm lớn như vậy mà chỉ do Bộ Xây dựng thẩm định phê duyệt thì sẽ mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu mới xin được quyết định cấp phép đầu tư dự án. Điều này gây nên những sự tốn kém, lãng phí lớn cho doanh nghiệp.

Theo NTG(Thời báo tài chính Việt nam)