DN tranh cãi quyết liệt với Bộ Công Thương về Thông tư 37

Điểm vướng mắc nhất được nêu ra tại hội thảo ngày 26/5 về Thông tư này là quy định về kiểm tra hàng mẫu.

Hội thảo được tổ chức do những bức xúc của doanh nghiệp (DN) dệt may, các viện nghiên cứu, các chuyên gia về Thông tư 37, và đặc biệt là theo yêu cầu của các Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cơ quan quản lý và các DN đã nhiều lần tranh cãi về vấn đề này, nhưng chưa thống nhất được phương án xử lý cụ thể.

DN kêu rườm rà hơn Thông tư cũ

Theo bà Hoàng Ngọc Ánh - Trưởng ban Chính sách hội nhập quốc tế, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau khi Thông tư 37 ra đời, hầu hết các DN đều kêu ca rằng, họ nhập một lượng mẫu với số lượng rất nhỏ, giá trị thấp nhưng vẫn bị cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra mẫu. Điều này rất gây mất thời gian và thêm chi phí cho DN.

Đại diện công ty May 10 nói gay gắt: “Chúng tôi rất bức xúc với quy định này, và theo tôi phải đưa ra khỏi Thông tư… Không cần phải kiểm tra hàng mẫu, kể cả là hồ sơ nữa”. Vị này lý giải, các mẫu đã được đóng nhãn, hoặc đóng dấu để phục vụ cho DN nghiên cứu, thì làm sao gây nguy hại cho người tiêu dùng được.

“Có những lô hàng chỉ mất một ngày là về, mà chúng tôi phải mất mấy ngày, thậm chí cả tuần lễ để đi giám định, đó là chưa kể đến chi phí kiểm định”, ông nói.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Trương Đình Út, đại diện Công ty May Nhà Bè cho rằng, trước đây theo Thông tư 32, các DN nhập dưới 25 m vải mẫu thì không phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm, tuy nhiên theo Thông tư 37 mới, DN chỉ nhập dưới 30 m vải vẫn bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng nói trên. Như vậy, với Thông tư mới, DN vừa phải mất thêm thời gian chờ đợi, vừa mất thêm chi phí, thủ tục còn rườm rà hơn Thông tư  32 cũ.

Đại diện Công ty Minh Trí cho hay, DN nhập 12 mẫu hàng, mỗi mẫu chỉ vài ba sản phẩm thì bị cơ quan chức năng giữ 2 sản phẩm từ hôm 23/5 đến nay vẫn chưa trả mẫu. Việc cơ quan kiểm nghiệm giữ mẫu hàng của công ty khiến cho tiến độ, kế hoạch của công ty bị chậm trễ, chưa kể, mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại.

Chuyên gia nói “thiếu minh bạch”

Một số DN giấu tên cũng đưa ra ý kiến cho rằng Thông tư mới này không giải quyết được các vướng mắc của DN và không đáp ứng được yêu cầu sửa đổi mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 19.

Cụ thể Thông tư 37 quy định còn nhiều vướng mắc và chung chung, chẳng hạn như: các mặt hàng DN nhận gia công, sản xuất, xuất khẩu sẽ bị kiểm tra hồ sơ, giấy tờ. Nhưng Thông tư không nói rõ là cơ quan nào sẽ kiểm tra hồ sơ. Theo các DN, nếu giao cho cơ quan kiểm tra chất lượng để xác định loại hình xuất nhập khẩu thì sẽ không chuẩn bằng cơ quan hải quan kiểm tra.

Thậm chí theo phản ánh của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, một số thành viên của Tổng Công ty khi làm thủ tục nhập khẩu cây đầu lọc thuốc lá sản xuất bằng xơ nhân tạo cũng được yêu cầu kiểm tra theo quy định tại Thông tư 37. Những sản phẩm này là phụ liệu phục vụ cho sản xuất thuốc lá, không thuộc nhóm hàng phục vụ hoặc có liên quan đến công nghiệp dệt may.

“Bộ Công Thương xem xét đình chỉ thi hành Thông tư 37, bổ sung ý kiến của cộng đồng DN, nghiên cứu cách thức làm theo đúng yêu cầu Nghị quyết 19”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị.

Ông Cung chỉ rõ: "Về bản chất, Thông tư 37 không rõ ràng, thiếu minh bạch, nguy cơ tùy ý là cao. Thông tư viện đủ các cơ quan Nhà nước trong kiểm tra nhưng không cho biết ai là người chịu trách nhiệm và giải trình trách nhiệm. Cũng không có hội đồng kiểm định để giám sát việc thực hiện. Quy định trên có thể dẫn đến buông lỏng quản lý vì đây là hoạt động dịch vụ, thậm chí nguy cơ lợi dụng quản lý Nhà nước để trục lợi".

Quan điểm của Bộ Công Thương

Phản hồi lại các thắc mắc của DN, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) lại cho rằng, các quy định tại Thông tư 37 chỉ với mục đích làm rõ hơn Thông tư 32 chứ không hề làm khó cho DN hơn Thông tư 32.

Đặc biệt, ông Cường nhấn mạnh rằng, Thông tư 37 chỉ yêu cầu kiểm tra hồ sơ của các sản phẩm mẫu của DN chứ không yêu cầu DN để lại mẫu để kiểm tra như trường hợp của công ty Minh Trí. “Nếu bị yêu cầu để lại mẫu là hoàn toàn không đúng với tinh thần của Thông tư 37” - ông Cường nêu quan điểm.

Theo ông Cường, việc giữ mẫu và giữ tới 3 ngày như trường hợp của Công ty Minh Trí là không đúng và điều này cho thấy, cả DN và cơ quan kiểm nghiệm đều không đọc kỹ, chưa nắm rõ Thông tư 37.

Trước đề xuất của các DN ngành dệt may về việc, cần loại bỏ yêu cầu kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với các sản phẩm mẫu, vì chủ yếu hàng mẫu có số lượng nhỏ, giá trị thấp, không mang tính chất giao dịch thương mại, không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ông Cường cho hay, sẽ xem xét lại vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh: “Nếu bỏ quy định đó, ngay lập tức sẽ có DN nhập hàng ngàn sản phẩm về nước và coi đó là hàng mẫu. Và khi đó, nguy cơ sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa, thì ai sẽ chịu trách nhiệm?” - ông Cường đặt câu hỏi và nhấn mạnh: Không thể bỏ quy định này vì nếu bỏ sẽ tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.

Ông Cường khẳng định sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến phản ánh của DN để trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét và chỉnh sửa Thông tư 37 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trước đó, vào năm 2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 32/2009/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may, nhằm kiểm soát việc sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nội địa.

Song do Thông tư 32 quá rộng, thủ tục kiểm tra phức tạp cộng với chi phí cao, bị nhiều DN phản ứng và Chính phủ yêu cầu sửa đổi, nên ngày 30/10/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BCT thay thế Thông tư 32.

Theo Thanh Hằng(Cạnh tranh quốc gia)