Ông Chiến hỏi, chế độ trợ cấp khi ông nghỉ việc năm 1991 được hiểu như thế nào? Thời gian công tác của ông từ năm 1975 đến năm 1991 có được tính là thời gian đã đóng BHXH để cộng nối với thời gian đóng BHXH bắt buộc từ 2002 đến nay không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Đỗ Văn Chiến như sau:
Vào thời điểm năm 1991 khi ông Đỗ Văn Chiến nghỉ việc, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 227-HĐBT ngày 29/12/1987 về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế ở các cơ quan hành chính sự nghiệp và Quyết định 176-HĐBT ngày 9/10/1989 về việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc dân.
Theo đó, sau khi tinh giản, sắp xếp lại lao động theo biên chế mới, đối với số cán bộ, công nhân viên chức không bố trí ở lại trong biên chế cơ quan, thì được giải quyết thôi việc và được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm làm việc thì được hưởng trợ cấp một tháng lương.
Theo Khoản 6, Điều 123 Luật BHXH năm 2014, người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Căn cứ thông tin ông Đỗ Văn Chiến cung cấp, nhận thấy vào năm 1991 ông đã nhận trợ cấp một lần khi thôi việc theo chính sách sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế cho thời gian 16 năm công tác trong khu vực Nhà nước từ năm 1975 đến năm 1991 (có thể do lâu ngày ông không nhớ là đã được hưởng trợ cấp mỗi năm một tháng lương hay một nửa tháng lương).
Căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 123 Luật BHXH năm 2014, thời gian ông Chiến làm giáo viên trường công lập từ năm 1975 đến 1991 đã nhận trợ cấp một lần khi thôi việc nên không được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo chinhphu.vn