Như vậy, bà Quỳnh và những người lao động không hưởng lương tháng 4 không được nhận trợ cấp của Chính phủ và đồng thời cũng không nhận được lương từ doanh nghiệp do đã có biên bản thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương giữa người lao động và doanh nghiệp.
Bà Quỳnh thấy bất hợp lý vì người lao động được trả lương từ doanh nghiệp thì mới làm thủ tục xin trợ cấp, nhưng Chính phủ lại đặt điều kiện, doanh nghiệp không còn khả năng chi trả mới trợ cấp cho người lao động. Doanh nghiệp không đạt điều kiện thì coi như người lao động không được nhận trợ cấp. Kết quả là người lao động chịu thiệt thòi.
Bà Quỳnh mong cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh chính sách cho hợp lý và đúng với tiêu chí an sinh xã hội đã đặt ra.
Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó nguyên tắc hỗ trợ là Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Đối tượng hỗ trợ theo quy định tại Điểm 1 Mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tổng hợp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.