Bà Ngọc hiện làm công việc thủ kho, hệ số lương là 3,89. Bà Ngọc hỏi, bà có được nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động tỷ lệ 61% không? Chế độ nghỉ hưu được tính như thế nào? Bà có được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chờ nghỉ hưu không? Nếu được thì được hưởng bao nhiêu tháng trợ cấp?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời bà Ngọc như sau:
Về điều kiện nghỉ hưu
Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 54 nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành”.
Đối chiếu quy định nêu trên, đến tháng 5/2016 (thời điểm dự kiến của bà Ngọc) nếu trong thời gian trên 30 năm đóng BHXH mà bà Ngọc không có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc không có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên và bà Ngọc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Về mức lương hưu
Về mức hưởng lương hưu của bà Ngọc, do thông tin bà Ngọc cung cấp không đầy đủ, đề nghị bà Ngọc liên hệ với cơ quan BHXH nơi công ty bà Ngọc đóng BHXH để căn cứ mức lương tham gia BHXH từng thời kỳ; thời gian đã đóng BHXH; kết quả giám định y khoa (nếu có) và tuổi đời thực tế tính đến tháng bà Ngọc đề nghị hưởng chế độ hưu trí để xem xét trả lời cụ thể.
Về trợ cấp thất nghiệp
Điều 49 Luật Việc làm quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: “1. Chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; 2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; 3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; 4. Chưa tìm được việc làm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trừ các trường hợp sau: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết”.
Khoản 2, Điều 50 Luật Việc làm quy định: “Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”.
Điểm a, Khoản 3, Điều 50 Luật Việc làm quy định người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi: Hưởng lương hưu hằng tháng.
Để được hướng dẫn cụ thể về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đề nghị bà Ngọc cung cấp hồ sơ và liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi bà Ngọc muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo Chinhphu.vn