Mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng?

 

Mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Công ty của ông Nguyễn Văn Út (Đồng Tháp) có người lao động nghỉ ốm từ ngày 9/10-11/10/2019. Từ ngày 12/10 đến ngày 31/10/2019 nghỉ không hưởng lương. Ông Út hỏi, 3 ngày nghỉ ốm này có được giải quyết chế độ ốm đau không? Tháng 10 không đóng BHXH do không đủ ngày công làm thì căn cứ quy định nào để hưởng chế độ?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quền theo quy định của Bộ Y tế.

Điểm 1 Công văn số 3432/BLĐTBXH-BHXH ngày 8/9/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014 hướng dẫn như sau:

Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người lao động tại công ty của ông Út nếu đang tham gia BHXH và phải nghỉ việc do ốm đau, có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 100 Luật BHXH thì được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Theo Chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Muc-huong-che-do-om-dau-duoc-tinh-tren-tien-luong-thang/392643.vgp