Khách mời tham dự tọa đàm gồm đại diện VCCI, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát và mạnh tay xử lý đối với các trường hợp kinh doanh, vận chuyển… thực phẩm mất an toàn, nhưng thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất vẫn tiếp tục tràn vào nhà hàng, quán nhậu và mâm cơm mỗi gia đình với mức độ ngày càng đáng báo động.
Và hậu quả là thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm cũng đã gây nên nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hằng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.
Thực phẩm bẩn còn hạn chế khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng ra nước ngoài. Trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng. Năm 2014, Việt Nam cũng có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so năm 2013.
Do vậy, tọa đàm diễn ra nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ mối nguy hại của vấn nạn thực phẩm bẩn đối với cộng đồng cũng như hệ lụy tới sự phát triển kinh tế; đồng thời, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn và đưa ra những giải pháp cần triển khai đối với vấn đề trên.
Các độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi về địa chỉ: tructuyen@dddn.com.vn
Hồ Hường