Thêm biện pháp ngăn chặn khai thác giã cào bay

Theo phản ánh của ông Đỗ Minh Thông (tỉnh Bình Thuận), quy định hiện hành cho phép các tàu cá từ 90CV trở lên khai thác hải sản ở vùng khơi, tuy nhiên, hiện nay trên vùng biển Bình Thuận có nhiều tàu cá công suất 90CV trở lên hoạt động ở vùng lộng, vùng ven bờ và sử dụng hình thức lưới kéo (giã cào).

Hình thức khai thác nêu trên đã hủy hoại môi trường trường biển, tận diệt nguồn hải sản, đồng thời còn phá hỏng ngư lưới cụ của những tàu công suất nhỏ được phép khai thác vùng lộng, gây mâu thuẫn giữa các tàu cá, khiến ngư dân khai thác vùng lộng và vùng biển ven bờ bức xúc.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, các tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV được hỗ trợ 70% bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên. Ông Thông cho rằng, việc hỗ trợ đại trà như vậy vừa không đúng đối tượng, vừa gây thất thoát ngân sách.

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Thông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp quản lý để hỗ trợ tàu cá hoạt động đúng tuyến, có xác nhận nhật trình rõ ràng, như vậy mới khuyến khích ngư dân vừa khai thác vừa giữ gìn biển đảo.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Nghề lưới kéo không được phép hoạt động vùng ven bờ

Nghề giã cào bay là nghề lưới kéo có kích thước mắt lưới ở cánh lưới lớn hơn nghề lưới kéo thường để tạo độ mở miệng lưới lớn.

Về hoạt động của nghề giã cào bay, Chính phủ đã có quy định tại Điều 5 Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân vùng biển (nghề lưới kéo chỉ được phép hoạt động tại vùng xa bờ).

Do vậy, nghề giã cào bay là nghề không được phép hoạt động ở vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu làm nghề lưới kéo hoạt động sai vùng (xử lý gấp 3 lần các tàu làm nghề khác).

Hiện nay một số ngư dân làm nghề giã cào bay vì lợi ích trước mắt đã đưa tàu cá vào khai thác trái phép ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, khu vực cấm đánh bắt gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và các nghề thủ công truyền thống ven bờ.

Để ngăn chặn nghề giã cào bay và các nghề khai thác thủy sản hoạt động không đúng tuyến ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai một số nội dung sau:

Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 về việc quản lý hoạt động tàu cá của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển; Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ về quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, trong đó có quy định xử phạt rất nặng đối với các tàu cá làm nghề lưới kéo (xử lý gấp 3 lần các nghề khác).

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Giao Cục Kiểm ngư và Thanh tra chuyên ngành thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng lộng; xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai tốt Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ. Trong đó, tại Khoản 1, Điều 5 của Nghị định này quy định trách nhiệm của địa phương trong việc ban hành danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác; các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng tại các vùng biển hoặc từng tuyến khai thác; khu vực bị cấm khai thác và khu vực bị cấm khai thác có thời hạn; chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác.

Để quản lý hoạt động của nghề lưới kéo, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Công văn số 1836/UBND-KTN ngày 10/6/2015 về triển khai giải pháp quản lý hoạt động khai thác của nghề giã cào bay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Công văn số 1243/UBND-KTN ngày 22/4/2015 về việc cấm nghề cào Banh Lông trên toàn vùng biển Bình Thuận; Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (nghề giã cào) trên vùng biển Bình Thuận.

Trong thời gian tới, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn các tàu giã cào bay có công suất từ 90CV trở lên hoạt động sai vùng, sai tuyến; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành quy định cụ thể đối với trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật bị lực lượng Kiểm ngư, Thanh tra chuyên ngành thủy sản bắt, xử lý sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng trên.

Theo Chinhphu.vn