Bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng?

Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên dự kiến tham gia cho nhân viên các gói bảo hiểm nhân thọ. Qua nghiên cứu về nội dung hợp đồng của một số hãng bảo hiểm nhân thọ, Công ty đề nghị được giải đáp một số nội dung sau:

- Khoản 1, Điều 12 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 quy định “1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hợp đồng thì các hợp đồng đều do các công ty bảo hiểm soạn thảo sẵn. Nội dung của hợp đồng cũng như các điều khoản ràng buộc giữa các bên trong hợp đồng đều do công ty bảo hiểm soạn mà người mua bảo hiểm cũng như người bán bảo hiểm không được tham gia. Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên hỏi, việc này có phù hợp với quy định không? Nếu phù hợp thì “sự thỏa thuận” quy định tại Khoản 1, Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm là những việc gì? Công ty có quyền đàm phán sửa đổi các nội dung cũng như điều khoản của các hợp đồng đó không?

- Điểm a, Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.

Khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp”.

Tuy nhiên khi Công ty có thắc mắc về nội dung các điều khoản trong hợp đồng thì các Công ty bảo hiểm thường nói là các điều khoản này đã được Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận và thường trả lời các thắc mắc của người mua bảo hiểm bằng cách trích dẫn lại các điều khoản của hợp đồng.

Vậy trong trường hợp điều khoản của hợp đồng không rõ ràng, mà khi ký hợp đồng công ty bảo hiểm không giải thích đầy đủ hoặc có giải thích nhưng không rõ ràng nếu khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì sẽ giải quyết quyền lợi như thế nào?

- Hiện nay, các gói bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đều cung cấp sản phẩm bổ trợ (quyền lợi bảo hiểm tăng cường hoặc mở rộng) và sản phẩm này được các công ty gia hạn hàng năm. Qua nghiên cứu, điều khoản gia hạn hàng năm đều được các công ty ghi không rõ ràng. Đặc biệt các công ty này sẽ không gia hạn cho năm tiếp theo với nội dung là “Người được bảo hiểm không còn đáp ứng các điều kiện được bảo hiểm quy định tại điều khoản tăng cường hoặc mở rộng”.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm không đưa ra điều khoản hoặc giải thích rõ trong các trường hợp cụ thể nào thì người được bảo hiểm không còn đáp ứng. Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên đề nghị Bộ Tài chính giải thích cụ thể các trường hợp nào thì người mua bảo hiểm không còn đáp ứng được các điều khoản tăng cường hoặc mở rộng.

Một số trường hợp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng các công ty bảo hiểm từ chối chi trả tiền bảo hiểm, yêu cầu rất nhiều các giấy tờ. Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về trường hợp này.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Thỏa thuận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm

Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Khoản 1 và Khoản 4 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 quy định:

“1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

4. Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Chương này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 quy định:

“Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; b) Đối tượng bảo hiểm; c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; đ) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; e) Thời hạn bảo hiểm; g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; h) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; i) Các quy định giải quyết tranh chấp; k) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.

2. Ngoài những nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận”.

Bên mua bảo hiểm có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia bảo hiểm, thỏa thuận về sự kiện bảo hiểm (Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm), số tiền bảo hiểm (Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm), thời hạn bảo hiểm, thời hạn, phương thức đóng phí bảo hiểm (Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm)…

Khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân dự 2015 quy định: Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra…”.

Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

Khoản 3, Khoản 6 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định quy tắc, điều khoản do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng phải thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm,… Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 3, Điều 4 Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm như :

- Trung thực, công khai và minh bạch, tránh để khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp.

- Trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm phải tìm hiểu các thông tin cần thiết về khách hàng, đảm bảo không phân biệt đối xử về điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm giữa các đối tượng bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro.

- Tài liệu giới thiệu sản phẩm phải rõ ràng, phản ánh thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản, nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, cập nhật trong suốt thời gian sử dụng.

- Giải thích rõ và đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; phân tích nhu cầu và khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm để tư vấn cho bên mua bảo hiểm những sản phẩm bảo hiểm phù hợp…

Quyền của bên mua bảo hiểm

Khoản 1 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “1. Bên mua bảo hiểm có quyền:

a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm;

b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm… Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm”.

Khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng…”.

Theo các quy định trên thì việc doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng và tuân thủ quy tắc, điều khoản bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn là phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và văn bản hướng dẫn thi hành.

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một dạng hợp đồng theo mẫu, có điều khoản cho phép bên mua bảo hiểm được tự do xem xét, hủy bỏ hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm đã đóng trong vòng 21 ngày kể từ ngày phát hành hợp đồng. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì thế cũng phù hợp với các quy định về hợp đồng theo mẫu tại Khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự và Khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Giải quyết quyền lợi bảo hiểm khi điều khoản hợp đồng không rõ ràng

Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”.

Khoản 2 Điều 405 Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”.

Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hàng vi vi phạm sau: a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Bộ luật Dân sự 2015 và quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đều quy định rõ trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.

Trường hợp bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không đồng ý với kết quả giải quyết của doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Gia hạn hợp đồng bảo hiểm

Khoản 1 Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:

“1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:

d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;

e) Thời hạn bảo hiểm…”

Bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận về điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, việc gia hạn và điều kiện gia hạn hợp đồng bảo hiểm (nếu có).

Quy tắc điều khoản bảo hiểm phải quy định rõ thời hạn bảo hiểm. Việc gia hạn hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng, các điều kiện, điều khoản bảo hiểm vẫn được đáp ứng thì các bên có thể tiếp tục gia hạn hợp đồng.

Giải quyết quyền lợi bảo hiểm

Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” và “Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Chương này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: c) Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; d) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường”.

Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường”.

Hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm được quy định tại quy tắc điều khoản bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc điều khoản bảo hiểm.

Một số quy tắc điều khoản quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra, xác minh về rủi ro, hậu quả của rủi ro và trưng cầu giám định đối với người được bảo hiểm để phục vụ cho việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Các chi phí kiểm tra, xác minh, trưng cầu giám định theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chịu. Trường hợp từ chối trả tiền bảo hiểm phải có căn cứ rõ ràng.

Trường hợp bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không đồng ý với kết quả giải quyết của doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Theo Chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Ben-mua-bao-hiem-co-quyen-don-phuong-dinh-chi-hop-dong/384987.vgp