Do khó khăn về tài chính nên từ năm 2012, Công ty CP Vietbo thường nộp chậm các khoản tiền BHXH dẫn đến bị tính lãi nộp chậm. Tuy nhiên, mức lãi suất quá cao so với ngân hàng và hàng tháng phải gộp lãi vào gốc để tiếp tục tính lãi nên số nợ tăng nhanh khiến Công ty không trả kịp và đứng trước nguy cơ phá sản.
Sau khi các nhà đầu tư mới tiếp quản Công ty, hiện Công ty đã trả được toàn bộ các khoản nợ ngân hàng, khoản nợ của người lao động, một phần nợ các nhà cung cấp nguyên liệu, phục hồi lại sản xuất, đồng thời trả hết nợ gốc và một phần lãi phạt cho BHXH.
Hiện nay Công ty CP Vietbo còn một phần khoản nợ tiền lãi do chậm nộp BHXH. Công ty đề nghị được xem xét miễn, giảm phần tính lãi chưa phù hợp với thực tế (khoản tiền Công ty ứng trước để trả cho người lao động nhưng vẫn bị tính lãi) để Công ty khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 134, Khoản 3 Điều 138 Luật BHXH năm 2006; Khoản 2 Điều 17, Điều 122 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1 Điều 11, Điều 49 Luật BHYT năm 2008, Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, người sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, số tiền lãi BHXH, BHTN tính theo mức của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH và từ ngày 1/1/2016 bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề; số tiền lãi BHYT theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố và từ ngày 1/1/2015 bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Do đó, trường hợp Công ty CP Vietbo chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng tiền lãi theo đúng quy định.
Theo nội dung phản ánh của Công ty CP Vietbo, do Công ty chậm đóng BHXH nên phải ứng trước tiền để giải quyết chế độ cho người lao động nhưng vẫn bị tính lãi, nay Công ty đề nghị được miễn lãi chậm đóng đối với số tiền này. Vấn đề này nằm ngoài quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nên BHXH Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết đề nghị của Công ty CP Vietbo.
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Co-duoc-mien-giam-tien-lai-cham-dong-BHXH/384170.vgp