Bị tai nạn trên đường đi làm, có được chế độ tai nạn lao động lao động?

Công ty TNHH Baconco có tình huống như sau: Ngày 7/11/2018, người lao động đang trên đường đi làm thì đột nhiên có một người đi xe máy từ vỉa hè băng xuống đường, theo quán tính người này thắng xe gấp để tránh nhưng vì đường vừa tạnh mưa, trơn trượt nên đã té lăn ra đường, bị xe đè lên người và được người dân gần đó đưa đi cấp cứu. Kết quả bị đứt dây chằng chéo trước gối trái với tỷ lệ giám định thương tật tạm thời sau 6 tháng điều trị là 23%. Cơ quan BHXH đã chi trả quyền lợi tai nạn lao động cho người này.

Công ty TNHH Baconco hỏi, Công ty có trách nhiệm gì với trường hợp như trên không? Đây có được xem là tai nạn lao động hay không?

Công ty cũng có tham khảo Công văn số 4364/LĐTBXH-ATLĐ ngày 11/10/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của ông Trịnh Thế Hiển (Công ty TNHH HANSAE). Trong Công văn có nêu "Trường hợp xác định nguyên nhân hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn và không có nguyên nhân nào khác thì pháp luật lao động hiện hành không quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp cho người lao động".

Vậy trong trường hợp này, người lao động của Công ty do tránh người khác mà tự té gây tai nạn thì có bị cho là không có nguyên nhân nào khác hay không? Giữa Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 145 Bộ luật Lao động 2012 có mâu thuẫn với Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động hay không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: 

Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở cần căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn lao động.

Căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn nêu trên, trường hợp xác định người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động.

Công văn của Công ty không gửi kèm theo biên bản điều tra tai nạn lao động, chưa mô tả toàn bộ tình huống xảy ra tai nạn (chẳng hạn, có thể người lao động vượt đèn đỏ giao thông, sau đó mới tránh người khác và gặp nạn?...).

Vì vậy, Công ty cần tiến hành điều tra tai nạn lao động, xác định rõ nguyên nhân, sau đó căn cứ vào Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động để xem xét giải quyết chế độ cho người lao động.

Quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động 2012, Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động hướng dẫn các trường hợp “tai nạn lao động”. Tai nạn lao động đã được định nghĩa tại Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động là quy định cho trường hợp “tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở” (đây là tai nạn đặc thù, không phải tai nạn lao động) được xem xét hưởng chế độ trợ cấp như tai nạn lao động.

Vì vậy, Điều 145 Bộ luật Lao động 2012, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động không có mâu thuẫn với Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đề nghị Công ty liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để được hướng dẫn chi tiết.

Theo Chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Bi-tai-nan-tren-duong-di-lam-co-duoc-che-do-tai-nan-lao-dong-lao-dong/382943.vgp