Từ tháng 7/1997 đến tháng 4/2002 ông được công ty cho đi học đại học hệ tại chức theo diện tự túc (không hưởng lương). Trong thời gian đi học, ông chỉ làm việc tại công ty 6 tháng/năm và được trả lương đặc biệt độc hại trong các tháng đi làm. Tháng 3/2004, ông được bố trí làm ở cương vị khác, hưởng lương gián tiếp cho đến nay.
Trong suốt quá trình làm việc tại công ty, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có sức khỏe tốt, không vi phạm pháp luật và không bị kỷ luật.
Ông Tiên hỏi, theo Bộ luật Lao động hiện hành thì khi nào ông được nghỉ chế độ, hưởng mức lương hưu 75%? Nếu công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông vào tháng 3/2020 thì có đúng quy định không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Điều kiện hưởng lương hưu
Tại Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (tình trạng còn hiệu lực) quy định: Người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d, g, h và i Khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
- Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
- Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Theo ông Bùi Văn Tiên phản ánh, ông Tiên sinh tháng 2/1965, vào thời điểm này (tháng 12/2019) ông mới đủ 54 năm 10 tháng tuổi. Đến hết tháng 2/2019 sẽ đủ 55 tuổi.
Ông Tiên có diễn biến thời gian làm việc và tiền lương theo công việc như sau:
- Từ tháng 10/1988 đến tháng 7/1997 bằng 8 năm 9 tháng, trực tiếp làm công việc đặc biệt độc hại và hưởng lương theo thang lương, bảng lương công việc đặc biệt độc hại trong doanh nghiệp;
- Từ tháng 7/1997 đến tháng 2/2002 đi học đại học hệ tại chức, tự túc kinh phí (4 năm 7 tháng), thực tế chỉ trực tiếp làm công việc đặc biệt độc hại và hưởng lương theo thang lương, bảng lương đặc biệt độc hại 2 năm 4 tháng.
- Từ tháng 2/2002 đến tháng 3/2004 bằng 2 năm, không thấy ông Tiên nêu có đi làm hay không, nếu đi làm thì làm công việc gì và hưởng lương thế nào.
- Từ tháng 3/2004 đến nay (tháng 12/2019), bằng 15 năm 9 tháng, làm công việc chuyên môn nghiệp vụ, hưởng lương theo thang bảng lương chuyên môn nghiệp vụ trong doanh nghiệp (không trực tiếp làm công việc đặc biệt độc hại).
Đề nghị ông Tiên cộng gộp thời gian trực tiếp làm việc, hưởng lương, đóng BHXH theo tiền lương của công việc đặc biệt độc hại, để biết ông đã có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hay chưa? Nếu có đủ các điều kiện quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH thì ông được nghỉ việc hưởng lương hưu khi đủ tuổi 55 vào thời điểm tháng 3/2020.
Tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019
Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều. Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Về tuổi nghỉ hưu, Điều 169 Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định:
- Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, trường hợp ông Tiên, nếu không đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu ở tuổi 55 vào thời điểm tháng 3/2020 theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH, thì căn cứ Khoản 2, Điều 169 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đến tháng 6/2026 ông Tiên sẽ được nghỉ việc hưởng lương hưu khi đủ 61 tuổi 3 tháng
Mức lương hưu hằng tháng
Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH quy định: Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Đề nghị ông Tiên đối chiếu quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH với thời điểm nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH đến thời điểm nghỉ hưu, được BHXH và công ty xác nhận trên sổ BHXH, để biết chính xác mức lương hưu hàng tháng mà ông được nhận.
Ngoài ra, ông Tiên còn hỏi, đến tháng 3/2010, nếu công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông thì có đúng quy định không? Về việc này, đề nghị ông Tiên tham khảo quy định về quyền đơn chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động nêu tại Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 (tình trạng còn hiệu lực) và quy định về các trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ nêu tại Điều 39 của Bộ Luật này để biết.
Trường hợp Công ty thực hiện không đúng quy định tại Điều 38, Điều 39 Bộ luật Lao động là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật quy định tại Điều 40 và công ty buộc phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo báo Chính phủ
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Dieu-kien-huong-luong-huu-va-muc-luong-huu/381616.vgp