Điều kiện thanh toán BHYT khi khám bệnh tại tỉnh khác

 

Vẫn được thanh toán BHYT khi khám chữa bệnh tại tỉnh khác khi xuất trình đủ giấy tờ

Bố của bà Phạm Thị Thùy Nhim (Hải Dương) làm địa chính tại xã, do sức khỏe yếu nên tháng 10/2018 phải xin nghỉ hưu. Thẻ BHYT của bố bà có thời hạn đến hết tháng 12/2018. Do bố của bà nghỉ hưu nhưng chưa có quyết định nên trong quá trình chữa bệnh vẫn dùng thẻ BHYT.

Tháng 1/2019 bố của bà Nhim nhận được quyết định nghỉ hưu, chuyển thẻ BHYT từ chế độ HC sang HT, do bệnh và điều kiện nên bố của bà chuyển hộ khẩu từ xã Đức Xương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, nhưng thẻ BHYT và sổ hưu vẫn thuộc xã Đức Xương.

Do chưa chuyển được hồ sơ từ BHXH Hải Dương lên BHXH Thái Nguyên nên khi chữa bệnh ở Thái Nguyên, bố của bà không được hưởng BHYT. Bà Nhim hỏi, trong thời gian chờ chuyển BHXH và hưu trí từ Hải Dương lên Thái Nguyên bố của bà không được BHYT cùng chi trả cho việc khám chữa bệnh thì sau khi ra viện có các hóa đơn thanh toán của bệnh viện, bố của có được BHXH huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương giải quyết không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT thì trường hợp người tham gia tự đi khám chữa bệnh (có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì được quỹ BHYT thanh toán như sau:

- 100% chi phí: Khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện;

- 60% chi phí: Khi đi khám, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh;

- 40% chi phí: Khi đi khám, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Như vậy, trường hợp bố của bà tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà không có giấy chuyển tuyến, có xuất trình đầy đủ thủ tục thì vẫn được hưởng quyền lợi BHYT theo các mức nêu trên ngay tại bệnh viện.

Căn cứ quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, trường hợp bố của bà có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tỉnh Hải Dương nhưng đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì mang toàn bộ chứng từ khám chữa bệnh đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, mức thanh toán như sau:

- Khám chữa bệnh nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện;

- Khám chữa bệnh ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh.

Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Dieu-kien-thanh-toan-BHYT-khi-kham-benh-tai-tinh-khac/381056.vgp